Trăn trở từ ngôi nhà của “những người không biết khổ”

09:19, 21/04/2022

Nhiều người ví von: Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên (Trung tâm) là ngôi nhà của những người không biết khổ. Nhưng phía sau những phận người không biết khổ ấy là đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động phải “gồng mình” khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài bệnh tâm thần mãn tính, bệnh nhân còn có nhiều bệnh nền khác. Hơn nữa, bệnh tật của đối tượng luôn diễn biến phức tạp, chính vì thế mà công việc của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm rất vất vả. Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ như vậy.

Hiện có 233 đối tượng đang được Trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, trong đó có 221 đối tượng theo quyết định và 16 đối tượng tự nguyện. Đối tượng được áp dụng điều trị kết hợp phương pháp phục hồi chức năng, như tham gia lao động trị liệu, thể thao, văn nghệ.

Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động thiếu (tổng số 70 người), song hằng ngày Trung tâm duy trì chế độ thăm khám, theo dõi diễn biến bệnh của từng bệnh nhân. Trên cơ sở đó có sự điều chỉnh về lượng thuốc điều trị, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng trường hợp. Những bệnh nhân có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường và một số bệnh nội khoa được Trung tâm đưa đón đến bệnh viện tuyến trên thăm khám.

Ngoài chế độ ăn do Nhà nước cấp, Trung tâm còn kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, và dành toàn bộ sản phẩm tăng gia bổ sung vào khẩu phần ăn cho bệnh nhân.

Nhờ có chế độ dinh dưỡng bảo đảm, phòng ở sạch sẽ, thông thoáng, liệu pháp điều trị phù hợp nên bệnh nhân ổn định sức khỏe, tinh thần, hạn chế tái cơn, kích động. Giúp người bệnh nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.

Nhiều trường hợp bệnh nhân được trở về với mái ấm gia đình, sống có ý nghĩa với năm tháng còn lại. Hạnh phúc nhường nào khi gia đình đoàn tụ, xã hội vơi đi một gánh nặng. Còn đội ngũ những người lao động đặc biệt ở Trung tâm được thở phào nhẹ nhõm, mừng cho một con người.

Hiện Trung tâm có hơn 30 đối tượng cao tuổi, bị sa sút trí tuệ hoặc mắc các bệnh nền mạn tính và không tự phục vụ được bản thân, thường xuyên phải chăm sóc cấp 1.

Các đối tượng đều cần được chăm sóc, điều trị, nhưng ngoài thiếu nhân lực phục vụ, Trung tâm đang phải đối diện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Phòng ở của đối tượng tại một số khoa chật chội, xuống cấp; khuôn viên, công trình phục vụ chưa được đầu tư vì thiếu kinh phí.

Ông Hiếu trăn trở: Do thiếu lao động nên chúng tôi phải làm việc cường độ cao để hoàn thành nhiệm vụ. Ví như việc chúng tôi phải thường xuyên cắt cử người lao động đưa bệnh nhân đi chữa bệnh tại các bệnh viện 24/24 giờ/ngày. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trung tâm cần có 146 biên chế theo Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH, chứ không phải 70 biên chế như hiện nay. Một khó khăn nữa là các khu nhà điều trị bệnh nhân được xây dựng phân tán, nên công việc quản lý bệnh nhân rất khó khăn, nhất là vào dịp cuối tuần và lễ, tết.

Không biết khổ, đồng nghĩa với không cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn. Song dù sao chăng nữa thì họ - những bệnh nhân tâm thần cũng là con người. Tôi chắc chắn ở giây phút tỉnh táo hiếm hoi, họ khao khát có được một nụ cười thoáng vội. Và họ chỉ có được ở Trung tâm này.