Ngoài Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, hiện nay, trên địa bàn có nhiều trường phổ thông có học sinh mắc chứng tự kỷ (MCTK) đang học hòa nhập. Trong lớp có học sinh MCTK, giáo viên không chỉ vất vả hơn mà còn phải đối mặt với những phản ứng khá mạnh của các bậc phụ huynh vì không muốn con em họ cùng học với trẻ tự kỷ.
Năm học 2021-2022, Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) có 2 học sinh MCTK, trong đó lớp 7A4 có 1 trường hợp. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Chủ nhiệm lớp 7A4: Lớp có học sinh MCTK, hằng ngày, tôi phải đến trường sớm hơn so với các giáo viên khác để quản lý học sinh. Mỗi ngày, phải chờ đến khi giáo viên bộ môn vào lớp, tôi mới chuyển sang lớp có tiết để dạy. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhiều phụ huynh phản ứng khá gay gắt về việc có học sinh MCTK trong lớp. Năm lớp 6, có gia đình đến xin cho con chuyển lớp, chuyển trường. Tôi phải gặp trực tiếp phụ huynh một số bạn trong lớp để trao đổi, mong họ chia sẻ, đồng cảm với học sinh MCTK, với lớp, Nhà trường và nói cho con em mình hiểu, đồng cảm với bạn.
Theo cô giáo Lưu Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập: Năm học 2022-2023, trong số học sinh lớp 6 nhập học sẽ có 3 em MCTK. Chúng tôi đang tích cực làm việc với các bậc phụ huynh để trao đổi rõ, mong họ sẻ chia với những trường hợp học hòa nhập này, bởi trong Luật Giáo dục nêu rõ: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, hầu hết các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh đều có học sinh MCTK học hòa nhập. Đối với các trường hợp trẻ MCTK nặng sẽ được theo học tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Hiện, Trung tâm tiếp nhận 40 em MCTK. Những trường hợp này đa phần đã nặng do gia đình phát hiện và can thiệp muộn. Một số nhà trường trong tỉnh khi biết học sinh MCTK đã giới thiệu để phụ huynh tìm đến Trung tâm. Tuy nhiên, với quy mô như hiện nay, chúng tôi không thể tiếp nhận thêm trẻ MCTK, vì phần lớn học sinh của Trung tâm là trẻ khuyết tật nên số lượng các em trong mỗi lớp khá ít. Đối với những trường hợp MCTK ở thể nhẹ, theo tôi học hòa nhập kết hợp với can thiệp riêng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Trường THCS Tân Lập xây dựng góc đọc sách nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận các thông tin để học tập, hòa nhập tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia trong lĩnh vực này - TS Lê Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cho rằng: Việc đứa trẻ có những rối loạn về tinh thần, hành vi là điều không ai mong muốn. Nhưng không thể vì vậy mà tước đi quyền học tập của các em, trẻ có quyền tới trường và được học tập. Được học tập có bạn bè, thầy cô, nhà trường, tham gia các hoạt động là môi trường tốt nhất để hỗ trợ trẻ MCTK cải thiện về bệnh lý. Ở góc độ phụ huynh, những bạn cùng lớp với học sinh MCTK, giáo viên chủ nhiệm cần phải tiếp cận những thông tin chính xác để họ xem sự tồn tại của những em MCTK giống như học sinh bình thường và không kỳ thị các em.
Theo chuyên gia tâm lý này, các bậc phụ huynh hãy nói với con mình về những biểu hiện của bạn MCTK để trẻ hiểu, xác định được tính chủ động, đừng để những tác động đó ảnh hưởng đến mình (học sinh MCTK thường hay hý hoáy trong giờ học, hoặc chạy ra ngoài…). Bản thân giáo viên chủ nhiệm cần sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh MCTK cho phù hợp. Song quan trọng nhất là phương pháp của giáo viên. Hãy giao cho học sinh MCTK bài tập vừa sức, gọi học sinh lên bảng làm bài tập, khi học sinh làm tốt cô giáo và các bạn vỗ tay khen ngợi. Hiện nay, cộng đồng chưa có cách nhìn nhận đúng đắn về hội chứng tự kỷ, họ nghĩ tự kỷ là gì đó rất khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết phát huy thế mạnh của các em, thì các em vẫn có thể học tốt những gì được dạy, bằng cách riêng của chúng.
Chủ đề của Ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ (2-4) năm nay là “Giáo dục hòa nhập cho tất cả”, với mục đích nhấn mạnh, người MCTK cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn bình đẳng như những người khác. Công việc dạy trẻ MCTK là một hành trình đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi các giáo viên không chỉ chuyên môn, kỹ năng tốt mà còn cần một trái tim nhân ái, trao yêu thương cho các em, để giúp các em cảm nhận và giao tiếp với thế giới theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên, việc điều trị cho trẻ MCTK cũng rất cần sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình và xã hội.