Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng COVID-19: Góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Phạm Ngọc Chuẩn 09:35, 19/09/2022

“Làn sóng” đại dịch COVID-19 đã lắng, xã hội trở lại với trạng thái bình thường mới. Nhưng có nhiều việc cần khắc phục, giải quyết ngay, trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.

Người lao động tìm hiểu về chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên.
Người lao động tìm hiểu về chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên.

Trong thời gian 2 năm gần đây, nhiều NLĐ gặp khó khăn do bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 phải xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng năm 2021, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã có gần 10.000 NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp có gần 60% người làm việc ở các doanh nghiệp tại tỉnh; hơn 40% người làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/8/2022 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ và người SDLĐ, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, bảo đảm mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng hưởng lợi.

Đến nay, 100% NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ có hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ đã được giải quyết thủ tục nhanh, gọn, đúng trình tự pháp lý và đã nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN.

Theo số liệu tổng hợp của BHXH tỉnh: Trong thời gian từ tháng 10-2021 đến ngày 10-9-2022, trên địa bàn tỉnh có 5.822 đơn vị, gần 356.000 NLĐ được giảm đóng quỹ BHTN, với tổng số tiền hơn 128 tỷ đồng.

Riêng 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 2.818 đơn vị, với gần 177.000 NLĐ được giảm đóng quỹ BHTN, với tổng số tiền giảm đóng gần 97 tỷ đồng.

Cùng thời gian, trên toàn tỉnh có gần 491.000 NLĐ được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN, với tổng số tiền hỗ trợ gần 49 tỷ đồng, trong đó năm 2021 có gần 202.000 NLĐ được nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 485 tỷ đồng. Sang 9 tháng của năm 2022, có 289 NLĐ đã được hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, với tổng số tiền hơn 605 triệu đồng.

Để việc chi trả hỗ trợ đối với NLĐ và người SDLĐ nhanh, gọn, chính xác, đúng đối tượng và không xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách; các cấp, ngành của tỉnh đã đồng thuận, tích cực vào cuộc. Trực tiếp, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã căn cứ theo các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chủ động ban hành một số văn bản hướng dẫn các đơn vị SDLĐ triển khai thực hiện theo quy trình, như việc xác định đối tượng, lập danh sách gửi cơ quan BHXH.

Tại từng khâu việc, đội ngũ cán bộ BHXH chấp hành làm việc nghiêm túc, tích cực hướng dẫn cho NLĐ và người SDLĐ thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định bằng hình thức trực tiếp, hoặc thông qua mạng xã hội, giảm thời gian đi lại và chi phí không cần thiết cho NLĐ và người SDLĐ. Nhờ đó, NLĐ được giải quyết chế độ kịp thời, chính xác.

Cùng với đó, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, thông qua trang thông tin điện tử của Ngành để tuyên truyền các văn bản chính sách đến NLĐ và người SDLĐ. Qua đó giúp các đối tượng được hưởng lợi hiểu đầy đủ hơn về việc thực hiện các thủ tục cần thiết khi đến cơ quan chức năng xin hưởng hỗ trợ; về quyền, lợi ích của người được nhận hỗ trợ.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, BHXH tỉnh đã luôn sâu sát, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát đối tượng được hưởng và mức hưởng, cương quyết không để xảy ra sai sót trong suốt quá trình triển khai, thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ cho NLĐ và người SDLĐ.

Trong và sau đại dịch COVID-19, các cấp, ngành của tỉnh đã thể hiện tinh thần đồng thuận cao, linh hoạt tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vào những thời điểm khó khăn nhất, tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, NLĐ và mọi người dân bằng việc triển khai, thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua đó hạn chế được những tác động tiêu cực của đại dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, trở lại sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Theo đó, NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội.