Gần gũi, thân thiện như đối với cha mẹ mình. Hành động ấy chỉ có ở tình tử mẫu, của những người con có lòng hiếu kính với cha mẹ. Nhưng thật cảm động là việc làm ấy được lặp lại hằng ngày ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm đã như người con chăm sóc cha mẹ già, làm vơi nguôi nỗi cô đơn cho bao người cao tuổi.
Được chăm sóc đầy đủ, chu đáo nên cụ Dương Thị Bài, 105 tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. |
Hiện Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 45 người cao tuổi, trong đó có 20 cụ nằm liệt giường do tai biến mạch máu não, tiểu đường, tim mạch và mắc chứng bệnh hoang tưởng.
Chị Trương Minh Thu, Trưởng phòng Quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng của Trung tâm, chia sẻ: Để hoàn thành nhiệm vụ của người làm công tác bảo trợ xã hội, nhất là công việc chăm sóc người cao tuổi, chúng tôi phải học cách làm con. Nhưng không phải làm con của cha mẹ mình, mà làm con của những người cao tuổi cơ nhỡ, neo đơn. Để rồi làm điểm tựa tinh thần cho các cụ sống vui, sống khỏe.
Qua các phòng ở và phòng sinh hoạt chung dành cho người cao tuổi, tôi cảm nhận được ở đây không khí đầm ấm như trong một gia đình lớn. Các thành viên trong nhà “tứ phương hội tụ”, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng có điểm chung là đều không có nơi nương tựa. Có trường hợp đi đến tận cùng khốn khổ thì được chính quyền địa phương làm thủ tục gửi vào Trung tâm.
Chị Trần Bảo Khánh, Trưởng phòng Hành chính, nói với chúng tôi như tâm sự: Trước đó hầu hết các cụ phải chịu nhiều cay cực. Có cụ giấu giếm thân phận, quên tên, quên nơi sinh thành, thậm chí không nói tiếng Việt Nam nên rất khó xác minh. Có cụ vì lang thang lâu ngày, quen tắm và uống nước cống, thân thể dơ dáy, hôi hám… Nhưng biết làm sao khi các cụ cũng như cha mẹ mình, luôn cần được quan tâm, chăm sóc, nhất là lúc thời tiết thay đổi.
105 tuổi, cụ Dương Thị Bài còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ bảo: Ngày nào cán bộ Trung tâm cũng cho ăn, uống thuốc đúng giờ. Việc tắm, giặt, vệ sinh cá nhân của tôi cũng do cán bộ làm.
Có mặt ở đó, chị Trịnh Thị Lan Phương, Phó phòng Quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng, phấn chấn: Bản thân các cụ cũng luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Như tham gia hoạt động thể dục buổi sáng, đánh cờ, xem ti vi, tự dọn dẹp phòng ở, cùng tăng gia trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.
Như bà Long Thị Định là một tấm gương. Bị cụt 2 tay, những vẫn tích cực cuốc đất trồng rau, thu hái rau xanh. Bà khoe: Tôi vẫn làm giúp các cụ đau yếu công việc gấp chăn màn khi ngủ dậy buổi sớm, tự xâu kim để khâu.
Rồi sớm nào cũng thế, các cụ Đào Thị Thục, Nguyễn Thị Nhâm, Lương Văn Quý cũng rủ nhau xuống giúp nhà bếp nhặt rau, dọn dẹp bàn ghế. Các cụ bảo: Mình còn sức, còn lao động, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn.
Ở Trung tâm, chế độ ăn cho các cụ bảo đảm đầy đủ đúng tiêu chuẩn, định lượng dinh dưỡng. Nhưng vào bếp mới thấy nhân viên ở đây nhiều bận rộn, hầu hết các cụ đều có bệnh nền, mỗi cụ lại có chế độ ăn khác nhau. Cơm dẻo, cơm nát, cháo thịt, cháo muối… Từng suất ăn được chia theo khẩu phần, phát đến tận tay cho cụ khỏe, cụ yếu. Có cụ lại cần bón từng thìa cháo.
Bà Nguyễn Minh Thân cho biết: Tôi mới vào Trung tâm từ tháng 6/2022. Thời gian chưa dài, nhưng tôi cũng như các cụ trong đại gia đình đều nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình. Ngoài đời, chúng tôi là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa. Vào đây chúng tôi được ngủ trong mái nhà yên, được ăn đúng bữa, đau yếu được uống thuốc. Rồi khi mất chúng tôi được các con chăm lo hậu sự.
Tình cảm của những người làm công tác bảo trợ xã hội Thái Nguyên thực sự là một điểm tựa tinh thần vững chãi, giúp bao người già neo đơn có nơi chốn nương tựa suốt phần đời còn lại. Và ở nơi đây, các cụ có một đại gia đình yên hòa, được sống vui, sống khỏe.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin