Năm 2023, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ". Theo đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; và tiếp tục tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân với khoảng 93,2% dân số tham gia.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TÂM TRUNG) |
Các mục tiêu này, đòi hỏi toàn ngành tiếp tục nỗ lực và linh hoạt giải pháp trong bối cảnh năm 2023 được đánh giá là có nhiều khó khăn...
Sẵn sàng "nền tảng"…
Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2022, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho rằng: có 3 điểm nổi bật trong công tác thu mà Bảo hiểm xã hội các địa phương đã thực hiện rất tốt trong năm qua, đó là: Sự chủ động, tích cực trong phân tích dữ liệu, linh hoạt để tổ chức khai thác hiệu quả; tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc - tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện chính sách hiệu quả trên địa bàn; bám sát chủ trương của lãnh đạo ngành, không ngại khó, ngại khổ, nhất là phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị... Những kết quả tích cực này sẽ là nền tảng thuận lợi cơ bản cho toàn ngành trong triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Ðặc biệt, chia sẻ thành tựu nổi bật của ngành trong công tác chuyển đổi số, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Nguyên Bồng cho biết: Năm 2023 được Ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số xác định là "Năm quốc gia về dữ liệu"; tuy nhiên với riêng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được hệ dữ liệu bảo đảm "đủ - sạch - sống". Thời gian qua, hệ dữ liệu được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu thập, xây dựng từ người tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được xây dựng theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Hệ dữ liệu này bảo đảm tỷ lệ hơn 70% được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ðồng thời, với khối lượng dữ liệu và bản ghi "khổng lồ" này cho thấy công sức rất lớn của toàn ngành bảo hiểm xã hội khi liên tục cập nhật, bảo đảm hệ dữ liệu "sống"...
Chính vì vậy, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cơ bản đều tăng so cùng kỳ và vượt chỉ tiêu so Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Ðã có 91,074 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 92,04% dân số, vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Ðây là một trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao. Về bảo hiểm xã hội có 17,5 triệu người tham gia, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,08% so với Nghị quyết 01/NQ-CP; bảo hiểm thất nghiệp có 14,33 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ 31,18% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,18% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP...
Chủ động các kịch bản điều hành
Nhận định rõ những khó khăn, thách thức mà ngành phải đối mặt trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đánh giá tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Thực tiễn này đòi hỏi phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, "đặc biệt là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp".
Thực tế tại các địa phương cho thấy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện có xu hướng tăng chậm, cùng với đó là lo ngại về gia tăng số người dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; số người rút bảo hiểm xã hội một lần... Nguyên nhân một phần là do thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2022, ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao tác động đến cuộc sống, thu nhập của người dân; cùng với đó là những biến động của thị trường lao động, tình trạng mất việc làm... Bên cạnh đó, tình trạng chi vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở khám, chữa bệnh; công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số địa phương còn vướng mắc...
Nhấn mạnh những kết quả "ngoạn mục" trong năm 2022 có yếu tố quan trọng là sự vào cuộc và ủng hộ sâu sát của chính quyền các địa phương, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu "lợi thế" này cần được toàn ngành tiếp tục phát huy hơn nữa trong năm 2023. Theo đó, ngành bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngành đề cao tính tinh thần chủ động, nắm bắt thực tiễn để có kịch bản điều hành, phương án hiệu quả nhằm triển khai quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm…, đặc biệt tập trung khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững và hiệu quả; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin