Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, tăng số người tiếp cận hưu trí

Theo NDĐT 16:29, 13/03/2023

Hơn sáu năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, với những khó khăn, vướng mắc hiện nay cho thấy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp tình hình hiện nay.

Người dân thu hoạch chè tại thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Đây là những người thuộc diện khu vực phi chính thức cần các chính sách khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Người dân thu hoạch chè tại thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Đây là những người thuộc diện khu vực phi chính thức cần các chính sách khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Tờ trình Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ mới đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn nhiều khoảng trống về chính sách, thể hiện ở việc bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội còn thấp; quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia bảo hiểm xã hội và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động; tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng… đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Thu hút và mở rộng diện bao phủ

Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và đẩy nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức (bảo hiểm xã hội tự nguyện), Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đã định hướng và xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Theo đó, để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng như: Người hưởng chế độ phu quân và phu nhân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.

Đồng thời, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng ba chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất. Dự thảo cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng thai sản là hai triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Tăng số người tiếp cận lương hưu

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung chính sách mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, thiết kế theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu, giảm tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần. Việc sửa điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ tạo cơ hội cho người lao động tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục vẫn có “cơ hội” được hưởng lương hưu.

Liên quan đề xuất này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm để hưởng lương hưu sẽ mở rộng được đối tượng tham gia, để người lao động sau khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, gia đình.

Với điều kiện phải đóng 20 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu và quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay, thì chỉ những người dưới 40 tuổi mới được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Điều này khiến nhiều người lao động do có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng để được hưởng lương hưu. Với đề xuất giảm 5 năm, đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng hơn cho những người đến 45 tuổi với nam và 40 tuổi với nữ vẫn có thể tham gia đóng được.

Tuy nhiên, số năm đóng ít cũng đi kèm mức hưởng lương hưu thấp, do đó người lao động cần chấp nhận và nên tính toán tham gia lâu dài hơn để tỷ lệ hưởng lương hưu cao dần lên. “Do đó, nên tính toán để có sàn an sinh xã hội với những người có mức lương hưu thấp. Cụ thể, bên cạnh chế độ phúc lợi xã hội, Nhà nước cũng nên xem xét có thể hỗ trợ mức đóng, hỗ trợ lương hưu hoặc có cơ chế linh hoạt cân đối quỹ bảo hiểm xã hội bằng sự chia sẻ giữa các thế hệ và các đối tượng... Vấn đề quan trọng là Nhà nước phải có chính sách có thể điều chỉnh mức lương, để làm sao người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm cũng phải có số lương hưu đủ sống”, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Đồng thuận với việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định, việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm rất nhân văn, nhưng Nhà nước phải tổ chức tốt, tránh việc trục lợi chính sách. Tuy nhiên, người lao động cần hiểu đóng bảo hiểm xã hội 15 năm hay 20 năm thì sẽ chỉ nhận mức lương hưu thấp, cuộc sống sẽ khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Do vậy, về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chỉ cần có phát sinh quan hệ lao động, thu nhập từ việc làm thì được tham gia bảo hiểm xã hội, chứ không nhất thiết phải có hợp đồng lao động như hiện hành.

Cùng với đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm… Bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.