Những trái tim đồng cảm

Phạm Ngọc Chuẩn 09:22, 24/03/2023

Chia sẻ, giúp đỡ những phận đời yếu thế, đạo lý ấy được sản sinh từ trách nhiệm cộng đồng xã hội. Để vinh danh những trái tim đồng cảm, thầm lặng làm việc, giúp đỡ bao mảnh đời bất hạnh vơi nguôi niềm đau - năm 2016 Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25-3 hằng năm là Ngày công tác xã hội Việt Nam. Ở Thái Nguyên, điển hình phải kể đến đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại 2 cơ sở bảo trợ xã hội công lập (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

Cán bộ y tế Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh chăm sóc sức khỏe cho đối tượng.
Cán bộ y tế Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Từ hàng chục năm nay, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (TT Bảo trợ); Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên (TT Tâm thần) được ví là mái ấm dành cho những cảnh đời không may mắn. Họ đã có một mái ấm mang tên cơ sở bảo trợ xã hội công lập; được ăn, được ngủ, được chữa bệnh và tham gia các hoạt động hòa nhập cộng đồng.

Nhiều người tham gia làm công tác xã hội; lãnh đạo chính quyền địa phương; nhà hảo tâm khi vào thăm Trung tâm đã rưng rưng, lòng nhói đau vì được biết rành rẽ hơn những mảnh đời từng chìm ngập trong bể khổ trần ai.

Chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc TT Bảo trợ tỉnh, chia sẻ: Ở đây, nhiều cụ nằm một chỗ do bị tai biến mạch máu não, tiểu đường, tim mạch, liệt và mắc chứng bệnh hoang tưởng. Nhiều cháu bé bị thiểu năng trí tuệ, bị tâm thần, mắc bệnh hiểm nghèo, là con của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Nhưng với chúng tôi, các cụ cần được chăm sóc sức khỏe, tỉnh thần; các cháu cần được nuôi dưỡng, bảo vệ và học hành.

Ở TT Tâm thần, anh Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm, nói day dứt: Họ từng trải qua quãng đời buồn nhiều hơn vui. Vì hoang tưởng, nhiều trường hợp đã giết chết chính người thân của mình mà không hay biết. Mỗi người một phách lối, nhưng vào Trung tâm điều trị một thời gian họ trở lại tỉnh táo, nhận ra đây chính là nơi chốn họ có cuộc sống bình yên nhất của đời mình.

Hiện TT Bảo trợ đang nuôi dưỡng 65 người già và trẻ em, trong đó có 20 người cao tuổi phải nằm một chỗ do bệnh tật; 7 trẻ bị khuyết tật và 2 trẻ em có HIV.

Còn TT Tâm thần đang nuôi dưỡng, quản lý gần 240 bệnh nhân, trong đó có hơn 30 đối tượng cao tuổi, bị sa sút trí tuệ hoặc mắc các bệnh nền mãn tính, không tự phục vụ được bản thân, thường xuyên phải chăm sóc cấp 1. Chưa kể đến những tâm hồn ngơ ngác, dở tỉnh, dở mê, xã hội không truy cứu trách nhiệm khi sai phạm pháp luật.

Tất cả gom lại ở 2 trung tâm, thành gánh nặng đời người và được đặt lên vai đội ngũ những người làm công tác bảo trợ xã hội. Ở góc độ quản lý nhà nước, các đối tượng bảo trợ xã hội được nhận đầy đủ chế độ chính sách về nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tinh thần. Nhưng vượt lên chuyện… lương tháng, là lương tâm, là tình người của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động dành cho những phận đời yếu thế. Nhiều người cao tuổi, trong đó có người bệnh tâm thần kinh đã nói: Được ở trong trung tâm, tôi có giấc ngủ ngon không bị mưa làm dở giấc; được ăn cơm nóng không lo ai giành mất phần.

Ở TT Bảo trợ, chị Trương Minh Thu, Trưởng Phòng Quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng, chia sẻ: Để hoàn thành nhiệm vụ của người làm công tác bảo trợ xã hội, nhất là chăm sóc người cao tuổi, chúng tôi phải học cách làm con, làm mẹ thay người thiên hạ.

Còn chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên cấp dưỡng, cho biết: Chế độ ăn cho các cụ và các cháu luôn bảo đảm đầy đủ đúng tiêu chuẩn, định lượng dinh dưỡng. Nhiều cụ nằm một chỗ, chúng tôi phải bón cho ăn. Có cháu nhỏ chưa biết tự xúc ăn, cán bộ trung tâm phải “ú… òa” làm trò cho cháu vui.

Phải tận mắt chứng kiến công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho đối tượng ở các trung tâm mới thấy được phần nào sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vì những phận người yếu thế nhất trong xã hội của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác bảo trợ xã hội tỉnh.

Đến thăm TT Tâm thần, bên vườn rau xanh do Trung tâm tổ chức tăng gia cải thiện bữa ăn, tôi gặp những thợ vườn cần mẫn. Nếu gặp ở một nơi khác sẽ không ai biết họ là bệnh nhân tâm thần kinh. Có mặt ở đó, anh Trần Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Chúng tôi luôn lắng nghe, thấu hiểu để chia sẻ với người bệnh. Đặc biệt là hiệu quả liệu pháp điều trị mới áp dụng trong những năm gần đây đã giúp bệnh nhân khỏe mạnh cả về thể trạng và tinh thần.

Ở TT Tâm thần, người có nhiều năm gắn bó với bệnh nhân hiện nay là anh Trần Đình Tân, Khoa Phục hồi chức năng nữ. 58 tuổi đời, gần 30 tuổi nghề. Anh bảo, nghề gắn với nghiệp, đấy là duyên phận. Xác định rõ điều này nên chưa bao giờ tôi phàn nàn. Có đêm trực tôi thức trắng để nghe một bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng nói một câu chuyện nào đó, chẳng liên quan đến ai. Nhưng tôi kiên trì nghe như một người bạn tri kỷ.

Biết tôn trọng, tạo cơ hội cho đối tượng chia sẻ. Trên cơ sở đó tìm ra giải pháp xoa dịu nỗi đau tinh thần, giúp đối tượng nhận ra một chân lý giản đơn: Dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào thì cuộc đời này vẫn thật đáng sống. Đội ngũ những người làm công tác bảo trợ xã hội công lập tỉnh Thái Nguyên đã vượt nên khó khăn, gắn bó với nghề để san sẻ yêu thương cho những phận đời yếu thế nhất trong xã hội. Bởi lẽ ấy họ xứng đáng được xã hội tôn vinh.