Bảo vệ trẻ trước thông tin mạng độc hại

Theo HNM 10:22, 01/04/2023

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, internet đang được coi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Chỉ cần một thiết bị số, trẻ em dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin trên các ứng dụng, công cụ tìm kiếm trực tuyến. Bên cạnh những kiến thức lành mạnh, có giá trị trong học tập và cuộc sống, nhiều thông tin độc hại cũng tràn lan trên mạng xã hội, chưa được kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành động của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết để tương tác an toàn hơn.

Tuyên truyền, phổ biến kỹ năng “Sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh” cho học sinh Trường Trung học cơ sở Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hồng Thái
Tuyên truyền, phổ biến kỹ năng “Sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh” cho học sinh Trường Trung học cơ sở Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hồng Thái

Khó kiểm soát

Chiều nào đi làm về, chị Nguyễn Lan Hương (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cũng thấy 3 đứa con đang dán mắt vào ti vi, tay bấm điều khiển liên tục để tìm kiếm chương trình chúng yêu thích trên kênh YouTube. Đáng buồn là, những chương trình ma quỷ, thử nghiệm kinh dị hay những đối đáp chanh chua, lái giọng lại hấp dẫn bọn trẻ. Chúng còn nhại theo hoặc bắt chước các cử chỉ, hành động không phù hợp với độ tuổi. “Tôi đã dùng nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn các con truy cập các ứng dụng mạng xã hội như cất điện thoại, không dùng máy tính, nhưng trong nhà vẫn còn 1 chiếc tivi kết nối internet. Bọn trẻ luôn tranh thủ lúc tôi chưa đi làm về để xem những kênh chúng thích”.

Anh Đinh Văn Thái ở phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) cũng bức xúc vì con gái đang học cấp 3 của mình suốt ngày "chúi mũi" vào điện thoại, xem những clip nhảm nhí. “Làm việc gì nó cũng nhanh nhanh chóng chóng cho xong để cầm điện thoại. Hết lướt Facebook thì lại chát chít. Tôi cảm tưởng con không muốn bỏ lỡ một tin nào trên mạng. Việc học cũng chểnh mảng vì con đang có tư duy không cần phải học đại học cũng có nhiều cách kiếm tiền”, anh Thái bày tỏ.

Để lôi kéo thanh thiếu niên, trẻ em tham gia mạng xã hội, các đối tượng quảng cáo đã gọi điện, nhắn tin mời chào với những lời “đường mật”, kiểu như “chỉ cần like và share fanpage để tương tác là có tiền chảy vào tài khoản, hoặc xem video, clip trên YouTube hoặc TikTok với mức thù lao 40.000 đồng/giờ”…

Chị Đỗ Phương Liên (phường Đô Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ, "vô tình xem điện thoại của con tôi đọc được tin nhắn mời kiếm tiền trên mạng xã hội. Các đối tượng gửi đường link kết nối Zalo để các con kết bạn, sau đó họ gửi các video, clip quảng cáo cho xem. Thời gian xem tùy thích, sẽ được cộng dồn thành từng giờ để thanh toán. Kiểu tương tác với người “ảo” như thế này khiến rất khó có thể kiểm soát xem trẻ em tìm kiếm, nhận và gửi những thông tin gì và bị lôi kéo như thế nào, nếu các con không có kỹ năng phòng ngừa".

Theo thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111), trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài 111 để tư vấn, can thiệp bạo lực, bóc lột trẻ bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em... Dự báo, con số này sẽ còn có thể tăng khi không gian mạng còn đầy rẫy những thông tin độc hại chưa được kiểm soát.

  Tọa đàm “Ngày An toàn internet 2023 - Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các nội dung tình dục độc hại trên môi trường mạng” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững phối hợp với các đơn vị tổ chức, ngày 24-2. Ảnh: Nguyễn Thủy

Tạo dựng "hệ miễn dịch số"

Theo các chuyên gia, việc bảo vệ an toàn thông tin của trẻ em trên không gian mạng không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn cần giáo dục sớm, tạo ra được hệ miễn dịch để trẻ tự biết phòng thân.

Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) Ngô Tuấn Anh cho rằng, việc tạo ra “hệ miễn dịch số” là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên mạng. Để đạt hiệu quả cao nhất, cần có 4 lực lượng tham gia gồm cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng, phụ huynh và trẻ em. Nhà nước có hành lang pháp lý, kế hoạch hành động, quy chuẩn tiêu, chuẩn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải có hệ thống chặn lọc nội dung độc hại, không phù hợp lứa tuổi. Phụ huynh cần có sự quan tâm, tri thức và khả năng bảo vệ con trên môi trường mạng. Xây dựng “thành trì” ở chính đối tượng cần bảo vệ, tạo sự miễn dịch cho trẻ để các em có thể tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho biết, thời gian tới, Cục Trẻ em sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng; hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh là một biện pháp quan trọng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, không một đơn vị đơn lẻ nào có thể làm được hết các khối lượng công việc để bảo đảm an toàn trên không gian mạng. Cục An toàn thông tin đã đề nghị các đơn vị chuyên trách, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương triển khai đầy đủ biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định.