Thời trẻ, mẹ gánh gồng giỏi lắm. Cái thời xe cộ còn chưa phổ biến, mọi thứ cần vận chuyển từ đồng về nhà, từ nhà ra đồng, ra chợ hết thảy đều dùng sức đôi vai. To nặng như cày, bừa dành phần bố vác. Nhỏ gọn hơn sẽ được chất vào gióng gánh kẽo kẹt trên vai mẹ.
Mùa gieo sạ, mẹ gánh cơm nước, lúa giống ra đồng cho bố. Mùa gặt gánh lúa bó về nhà. Buổi nông nhàn gánh lúa hột đi xay, gánh bắp, gánh khoai ra chợ. Đôi vai mẹ hay lắm; gánh gồng nhiều kệ; thịt trên vai vẫn mềm mại không chai. Chỉ mỗi lúc vào vụ, gánh nhiều, trật áo ra sẽ thấy vai mẹ đỏ ửng do cọ xát liên tục cùng đòn gánh. Bố trông xót ruột; bảo để lấy rượu xoa bóp nhưng mẹ gạt, không sao đâu; nghỉ gánh ít bữa lại bình thường ngay thôi…
Đáng nể nhất vẫn là cảnh mẹ gánh củi. Thường củi đuốc là chuyện của đàn ông. Muốn có củi phải vào rừng đốn, bó; xong gánh đi bộ về nhà. Gánh củi không sử dụng đòn gánh to bản bình thường mà dùng kiểu đòn gánh "đặc chủng": Nhỏ bản nhưng rất dày, hai đầu chuốt nhọn để xóc thẳng vào bó củi (gọi là đòn xóc). Gánh bằng đòn gánh to bản thông thường đem so cùng mức độ đau vai của cây đòn xóc gánh củi chỉ là chuyện nhỏ, củi nặng, đòn xóc nhỏ bản lại dày cứng (để chịu lực khỏi gãy) độ nhún ít nên nghiến vào vai rất đau.
Vậy nhưng phần việc dành cho đàn ông ấy những khi bố không có nhà mẹ vẫn có thể cáng đáng tỉnh bơ: Chặt, bó, xong phăm phăm gánh gánh củi to đùng từ rừng ra tận bến sông khiến mấy chú bác đi chung ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
Sau này khi tôi lớn lên, mẹ đã già yếu nhưng có việc đi ra đồng, ra chợ, không có gì nhiều mang theo mẹ vẫn cứ thích tòng teng trên vai một đôi gióng gánh. Tôi bảo để con chở, đừng gánh nhưng mẹ nhất quyết không nghe. Mẹ bảo: Đi không thấy nó cứ chống chếnh thế nào. Phải chăng những nhọc nhằn trên vai mẹ lâu dần đã thành thói quen khó bỏ…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin