Lại tái diễn cỗ cưới trăm mâm

Thái Dương 14:47, 04/06/2023

Đám cưới là dịp trọng đại trong cuộc đời của mỗi con người nên tâm nguyện chung của nhiều cô dâu, chú rể là mong muốn hôn lễ được tổ chức hoành tráng để tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc, sự chúc phúc của người thân, bạn bè... Tuy nhiên, việc tổ chức đám cưới quá hoang phí để trở thành gánh nặng cho gia chủ là điều không nên.

Việc tổ chức đám cưới quá hoang phí để trở thành gánh nặng cho gia chủ là điều không nên. (Ảnh minh họa)

Lâu nay, việc tổ chức tiệc cưới hàng trăm mâm cỗ không còn là điều xa lạ ở một số địa phương trong tỉnh. Từ suy nghĩ, chỉ đám cưới duy nhất một lần trong đời nên cô dâu, chú rể đều mong được bố mẹ tổ chức không thua kém bất kỳ ai.

Từ đó, nhà trước đã tổ chức tiệc cưới 80 mâm, nhà sau phải nhiều hơn để thể hiện "tầm cỡ" về quan hệ rộng, lắm anh em, bằng hữu. Cũng có gia đình vì anh em dòng tộc lớn, nhiều mối quan hệ xã hội và đám cưới con đầu nên tổ chức tiệc cưới tới trăm mâm để mời hết những ai đã từng mời mình coi như là "đáp lễ". Nhưng cũng không hiếm trường hợp tổ chức tiệc cưới lớn cho con vì mục tiêu “kinh tế”. Thậm chí "biến" hôn lễ trở thành ngày để khoe khoang với thiên hạ về sự giàu có, sang trọng...

Không ít người cho rằng, đi đám cưới ngày nay giống như chịu một cực hình. Thông thường, người tới dự đám cưới phải ngồi chờ rất lâu mới được “Ban Tổ chức” ghép mâm hoặc ngồi cùng toàn những người không quen biết nên suốt bữa cứ lặng lẽ ăn cho xong, rồi nhanh chóng gửi tiền mừng để ra về.

Ai đi dự tiệc cưới cũng mong gặp được cô dâu, chú rể hoặc bố, mẹ cô dâu, chú rể để để gửi lời chúc mừng, nhưng trong hôn lễ ken kín người, chủ - khách chẳng nhìn thấy nhau.

Trong lúc làm lễ cưới, cả gia chủ và khách mời dự tiệc khốn khổ bởi âm thanh tới tức ngực và cả sự lộng ngôn của người dẫn chương trình. Nhược điểm lớn nhất của hầu hết những người dẫn chương trình tiệc cưới là nói quá nhiều nên đôi khi họ đã nói luôn cả những điều không biết rõ, những điều không nên nói và lắm khi thành... vô duyên. Nhiều đám cưới còn thêm cả phần “nhạc sống” nên ca sĩ, vũ đạo cứ mặc sức thể hiện, nhẩy nhót, la hét, trong khi khách thì ăn uống... 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ cưới cũng là một hình thức phản ánh mức sống, sự phát triển của đời sống kinh tế nên đương nhiên không thể chỉ có vài cái kẹo, bình trà. Nhưng cũng không thể nghĩ mình có tiền hay nhân danh cho tự do, dân chủ để muốn làm gì cũng được. Bởi thế, một lễ cưới nên giản dị nhưng thật vui, sinh động, loại bỏ sự phô trương, xa hoa, lãng phí.

Về vấn đề này, Đảng ta đã có Chỉ thị số 27/CT-TW về quy định trong tổ chức việc cưới, việc tang. Chỉ thị số 27/CT-TW yêu cầu cán bộ, đảng viên không tổ chức tiệc cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp; không tổ chức tiệc cưới quá linh đình, tốn kém.

Nhưng trong thực tế vẫn có cán bộ vi phạm và đã bị nhắc nhở, xử lý kỷ luật. Do đó, dư luận cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương cần tăng cường giám sát để nhắc nhở, xử lý những trường hợp cán bộ, đảng viên không chấp hành Chỉ thị số 27/CT-TW. Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc làm này thì các tầng lớp nhân dân sẽ dần làm theo.