Tăng lương và nỗi lo tăng giá

H.T 09:08, 18/06/2023

Bắt đầu từ 1-7 tới, mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng cao nhất trong 12 lần điều chỉnh từ trước tới nay, tương đương tăng 20,8%. Tăng lương là điều đáng mừng, nhưng nhiều người cũng không khỏi băn khoăn bởi như đã thành quy luật, mỗi lần tăng lương giá các mặt hàng tiêu dùng và lạm phát sẽ tăng theo.

Nhà nước chưa chính thức thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở là để tương thích với tình trạng trượt giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao.

Nguồn lực thực hiện tăng lương được lấy từ tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm. Theo Bộ Tài chính, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” - tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát trong nước.

Nhận định là như vậy, nhưng thực tế mỗi lần điều chỉnh lương thì gần như ngay lập tức mặt bằng giá cả thị trường sẽ tăng theo, thậm chí tăng nhanh hơn khiến cho “lương tăng thực nhưng vẫn không vực được giá”.

Có thể kể đến là giá bán lẻ điện bình quân mới đây đã được điều chỉnh tăng thành hơn 1,92 nghìn đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 3% so với trước đó. Giá nước sinh hoạt dự kiến cũng điều chỉnh tăng trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên thị thị trường, lấy lý do nhiều yếu tố khách quan tác động nên không ít mặt hàng bắt đầu rục rịch tăng giá, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong 5 tháng đầu năm tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,83%; 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng.

Với Thái Nguyên, chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế ở mức thấp hơn, chỉ tăng 1,85% có với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì CPI trong thời gian tới có thể tăng cao hơn do tác động của điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đóng vai trò then chốt. T

heo Bộ Tài chính, các bộ ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá. Cập nhật sát tình hình để có chỉ đạo dự phòng đảm bảo cân đối cung - cầu. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Điểu quan trọng là sớm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương để cán bộ, công chức yên tâm làm việc.