Tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) là một trong những kênh hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động giảm nghèo, phát triển cộng đồng tại các xã vùng khó trên địa bàn tỉnh. Không chỉ viện trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, kết quả quan trọng hơn là thông qua những chương trình, dự án, các tổ chức PCPNN đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân.
Người nghèo xã Liên Minh (Võ Nhai) được hỗ bò từ Dự án "Ngân hàng bò" của tổ chức phi chính phủ Allianz-Mission (Đức). |
Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân và các dự án tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống tại xã Tân Lợi” (Đồng Hỷ) do Tổ chức Intoka (Cộng hoà Liên bang Đức) tài trợ, triển khai từ năm 2019-2021.
Với các tiểu dự án về lĩnh vực sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện tại các xóm: Cầu Lưu, Đồng Lâm, Bờ Tấc, Dự án đã giúp gần 600 người dân hưởng lợi trực tiếp. Dù đã kết thúc được 2 năm, song đến nay những tư duy, kiến thức, cách làm học hỏi từ Dự án vẫn được bà con áp dụng trong đời sống.
Bà Lâm Thị Năm, xóm Đồng Lâm, chia sẻ: Trước kia, chúng tôi trồng chè theo kinh nghiệm, chưa quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng. Khi tham gia Dự án, chúng tôi được tập huấn kiến thức về chế biến, chăm sóc, quảng bá sản phẩm chè. Giờ không chỉ tôi mà các thành viên trong Tổ hợp tác chè an toàn Tân Lợi đều không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh thảo mộc.
Chúng tôi biết cách quảng bá sản phẩm của mình qua mạng xã hội, kênh thương mại điện tử, thay vì chỉ bán cho lái buôn như trước. Sản phẩm chè có logo, nhãn mác, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc nên giá bán cũng cao hơn. Trung bình mỗi kg chè của các hộ dân trong các nhóm và Tổ hợp tác tăng từ 60.000 đồng/kg lên 150.000-200.000 đồng/kg.
Bà Lâm Thị Năm, xóm Đồng Lâm, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ)
Còn chị Dương Thị Ly ở xóm Cầu Lưu nói: Dự án giúp tôi nâng cao thu nhập từ việc ủ phân hữu cơ cung cấp cho người dân trong vùng. Ngoài ra, tôi còn học được cách lập kế hoạch cho mọi việc, chia sẻ tới mọi người những cách làm hiệu quả, tự tin bày tỏ ý kiến của mình...
Tại thị trấn Quân Chu (Đại Từ), nhiều năm nay, thay vì đốt, vứt rác thải nhựa ra môi trường hay bán phế liệu, người dân đã thu gom, vệ sinh sạch rồi nhồi chặt vào những chiếc chai, lọ nhựa để tạo thành gạch sinh thái. Những viên gạch này được dùng để dựng ghế ngồi, trang trí khuôn viên, vườn hoa ở các khu vực công cộng.
Với rác là vỏ cá loại củ, quả, bà con đào hố, chôn ngoài vườn để ủ thành phân bón. Bà Phạm Thị Quyên, người dân tổ 4, cho hay: Những công việc này đã trở thành thói quen của tôi, vừa hạn chế xả rác ra môi trường, lại làm được các công trình có ích.
Người dân tổ 4, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), làm gạch sinh thái từ rác thải. |
Cùng với làm gạch sinh thái, người dân tổ 4, thị trấn Quân Chu, cũng được truyền thông nâng cao ý thức xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nhà bằng mô hình vòng tròn chuối; ủ phân chuồng bằng men vi sinh. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về vấn đề này được nâng cao, đến nay, 100% hộ dân trong tổ đã có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Những thay đổi này là nhờ vào Dự án Church World Service (CWS) một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tài trợ, cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ về môi trường, giáo dục, y tế tại thị trấn Quân Chu trong giai đoạn 2013-2020.
Bên cạnh những đổi thay về tư duy sản xuất, bảo vệ môi trường, các dự án PCPNN còn giúp người dân hiểu và phát huy quyền làm chủ trong xây dựng các công trình cộng đồng (như nhà văn hoá, đường giao thông nông thôn).
Một số dự án không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo, mà còn lan toả sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng giúp người nghèo phát triển bền vững.
Tiêu biểu như Dự án “Ngân hàng bò” của Tổ chức Allianz-Mission (Đức). Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức này đã tài trợ 3 dự án: “Ngân hàng bò” tại xã Dân Tiến; Hỗ trợ vốn và năng lực nuôi bò sinh sản tại xã Liên Minh; Nâng cao thu nhập cho hộ nông dân xã Phương Giao (Võ Nhai), với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng, cho 180 hộ dân.
Hiện, Dự án vẫn đang tiếp tục duy trì, triển khai tới các hộ khác để giúp người nghèo có cơ hội phát triển kinh tế. Theo đó, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ một con bò giống trị giá 10 triệu đồng, đã được tiêm phòng đầy đủ. Hộ hưởng lợi nuôi cho đến khi bò sinh bê con được 6 tháng thì chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi và được sở hữu bò giống ban đầu làm sinh kế. Từ 86 bò giống ban đầu, đến nay, Dự án đã có gần 160 bò giống được luân chuyển cho các hộ nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, cho biết: Tham gia Dự án, người dân được tập huấn kỹ thuật, lĩnh hội nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cũng như cách sử dụng chế phẩm từ nông nghiệp, gắn kết, giúp đỡ nhau về chăn nuôi thông qua nhóm sở thích... Từ đó giúp họ có thêm nguồn thu để cải thiện cuộc sống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 20 tổ chức PCPNN, với 32 chương trình, dự án giải ngân, tổng trị giá trên 932 nghìn USD. Các dự án tập trung vào những lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường và bảo trợ xã hội, phát triển trẻ em, an toàn giao thông cho học sinh, phát triển cộng đồng... |
Đối tượng hướng đến của các dự án là người dân nông thôn, người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em. Mỗi tổ chức đều có những lĩnh vực và phương thức hoạt động khác nhau. Song mục đích chung đều là góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong giải quyết các công việc của bản thân và cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin