Với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), xu hướng mua bán hàng qua mạng được đánh giá là thị trường tiềm năng bởi sự tiện lợi và dễ dàng. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với kênh mua sắm này còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng trà trộn hàng giả thương hiệu, hàng kém chất lượng… gây ảnh hưởng quyền lợi, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức, nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Có nhu cầu trang bị thêm camera an ninh cho gia đình, anh Quốc Hưng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) tìm kiếm trên các sàn TMĐT và được chào mời mua mẫu camera Yoosee có giá chỉ vài chục nghìn đồng, được tặng thêm thẻ nhớ đến 32GB.
Do từng mua và sử dụng chiếc camera cùng mẫu của hãng này với giá từ 250-500 nghìn đồng, anh Hưng cảm thấy ngờ ngợ, nhưng nghĩ rằng có thể đang có chương trình siêu khuyến mãi, nhà cung cấp đưa ra mức giá đặc biệt, cho nên quyết định đặt mua. Tuy nhiên, khi lắp đặt sử dụng, thấy hình ảnh kém chất lượng, anh Hưng phản ánh lại với sàn TMĐT và cả người bán nhưng không nhận được sự trả lời thỏa đáng, cũng như được đổi, trả theo thỏa thuận ban đầu.
Cũng là một trong số những nạn nhân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng qua hình thức online, chị Thu Huyền, ở phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Lướt trên một số trang TMĐT bán đồ gia dụng, tôi thấy có quảng cáo sản phẩm lò vi sóng mang thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản được người bán cam kết là hàng chính hãng, do đang trong thời gian khuyến mại nên giá thành sản phẩm rẻ hơn rất nhiều so với giá hãng niêm yết. Thấy vậy, tôi đã đặt mua. Tuy nhiên khi nhận hàng, sản phẩm tôi nhận được chỉ là hàng giả thương hiệu, do sai một chữ so với hàng chính hãng”.
Thực tế, những rủi ro khi mua sắm qua mạng như trường hợp của anh Hưng và chị Huyền không còn là hiếm gặp. Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… không khó để người dùng tìm thấy những chai nước hoa hiệu Gucci giá 300 nghìn đồng, son môi hãng Dior giá 200 nghìn đồng, giày Nike chỉ với giá 150 nghìn đồng…
Trong khi vào cửa hàng chính hãng, giá các mặt hàng này lên đến hàng chục triệu đồng. Ông Minh Quốc, Giám đốc điều hành một chuỗi cửa hàng thời trang Việt cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn TMĐT, người tiêu dùng mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn, nhất là những sản phẩm có giá trị thấp. Nhưng cũng chính việc này đã tạo nên một “làn sóng” hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường online.
Trong khi đó, việc đổi trả hàng hay phản ánh của nạn nhân chỉ có thể thông qua sàn. Người bán không cần quan tâm đến khách hàng cũng như không có sự bảo vệ người tiêu dùng của sàn TMĐT. “Hàng hóa trên các sàn không được kiểm định chất lượng, người bán mặc sức quảng cáo. Chính vì những kẽ hở này, khách hàng là người phải gánh chịu thiệt thòi cuối cùng. Bản thân tôi cũng từng “dở khóc dở cười” khi mua hàng online, lúc nhận hàng xong, mới biết mình mua phải hàng giả” - ông Quốc cho biết.
Số liệu thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho thấy: Mỗi năm, cơ quan này nhận được hàng nghìn đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 50% liên quan việc giao dịch mua bán trên các trang mạng, bao gồm các hiện tượng bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán không có chứng từ hóa đơn. Các trang mạng vi phạm đã quảng cáo sai sự thật, và gây hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng…
Nhiều đơn vị kinh doanh TMĐT không có địa điểm kho hàng cố định, chỉ thông tin giao dịch và bán hàng cho khách, sau đó có thể đánh sập mạng để xóa dấu vết.
Do bản chất của việc bán hàng trên mạng là người bán và người mua không gặp mặt nhau, nên thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận “inbox” (nhắn tin riêng); thuê một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo; các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Các chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, thậm chí là học sinh, sinh viên...
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hiện công tác quản lý của các sàn giao dịch TMĐT, cũng như việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục. Các thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT thường tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm thật, song hàng bán cho người tiêu dùng lại là hàng nhái, hàng giả.
Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; sử dụng hình thức bán hàng qua cộng tác viên trung gian; phân tán hàng hóa nhiều nơi…
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết. Hiện trên nền tảng TMĐT từ các sản phẩm giấy ăn đến thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày dép... thậm chí, phòng trưng bày sản phẩm cũng bị làm giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Đáng lo, còn có hiện tượng một số người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra càng khó khăn hơn…
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn hoành hành, nhất là trên không gian mạng, các sàn TMĐT đã và đang bắt đầu triển khai các hoạt động rà soát đầu vào và quá trình vận hành để từ đó hạn chế tối đa số lượng hàng hóa không đúng như kỳ vọng của khách hàng; từng bước sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc hàng giả, hàng nhái khi đưa vào lưu thông, giao dịch trên sàn TMĐT.
Cùng với sự nỗ lực của chủ các sàn TMĐT, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng TMĐT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, bao gồm nhà sản xuất, chủ sàn, người bán hàng và các cơ quan chức năng, người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cần áp dụng chuyển đổi số, thông qua các công cụ, giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số đồng bộ với dữ liệu của doanh nghiệp, giúp kiểm soát lưu thông hàng hóa trên thị trường, truy vết đường đi của sản phẩm, truy xuất thông tin bán hàng, nhanh chóng phát hiện các trường hợp bị giả mạo, cũng như có căn cứ để giải quyết khi các vụ việc xảy ra.
Về phía các cơ quan chức năng, cần hoàn thiện khung pháp lý, văn bản luật nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường, nhất là khi mua sắm truyền thống đang dần dịch chuyển lên không gian mạng; nâng cao nghiệp vụ quản lý, giám sát và điều tra trên không gian mạng bên cạnh các nghiệp vụ chuyên môn. Người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình trên không gian mạng, cẩn trọng trong việc chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin tài chính…; chỉ nên mua và thanh toán trực tuyến tại các sàn TMĐT uy tín, có dấu xác nhận của cơ quan chức năng.
“Thông thường, khi làm giả, nhái sản phẩm, bao bì là mục tiêu đầu tiên mà các đối tượng làm giả nhắm tới. Vì vậy, chống hàng giả ngay từ khâu in ấn bao bì sản phẩm là một trong những giải pháp cần được quan tâm, nghiên cứu và đưa ra thị trường, nhằm nâng cao khả năng chống nạn bao bì giả, hàng giả; bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”. Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin