Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật

Chí Cường 08:44, 20/10/2023

100% người khuyết tật (NKT) đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; 70% số trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn NKT được hỗ trợ sinh kế, trao cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Thông qua lớp học xoa bóp bấm huyệt do Hội Người mù tỉnh tổ chức, nhiều người khuyết tật có việc làm mới với mức thu nhập ổn định.
Thông qua lớp học xoa bóp bấm huyệt do Hội Người mù tỉnh tổ chức, nhiều người khuyết tật có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Toàn tỉnh hiện có hơn 26.000 NKT (bao gồm cả người khuyết tật là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin). Những năm qua, tỉnh thường xuyên ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo triển khai những chính sách hỗ trợ cho NKT về y tế, giáo dục, tư pháp, học nghề; việc làm, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng phù hợp…

Chị Dương Thị Hòa Huệ, tổ 2, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP. Thái Nguyên, cho biết: NKT chúng tôi nhận thức được sự quý giá của cuộc sống, nên động viên nhau vượt lên đau đớn bệnh tật để hòa nhập, khẳng định mình không phải là gánh nặng xã hội. Đồng hành với chúng tôi trên chặng đường đời khó nhọc là sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm và tấm lòng nhân ái của mọi người trong xã hội.

Theo bà Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Phần lớn NKT là những người nghèo khổ, đặc biệt là phụ nữ thì nỗi khổ, sự tủi thân càng nặng nề. Vì thế, trong công tác hội, chúng tôi luôn quan tâm dành nhiều ưu tiên cho chị em là NKT…

Trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh có khoảng 40.000 lượt phụ nữ là NKT được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi; về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới…

Các cấp hội đã tặng quà, hỗ trợ làm nhà ở, tặng xe lăn, gậy tập đi và tín chấp vay vốn phát triển kinh tế gia đình cho gần 1.000 trường hợp. Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Đức, xóm Đồng Tân, xã Tân Kim (Phú Bình): Từ nhận được 250 con gà giống do tổ chức hội trợ giúp, cùng số tiền 50 triệu đồng vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, chỉ 2 năm sau, gia đình chị thoát nghèo.

Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời đã khuyến khích, động viên NKT nỗ lực hơn trong cuộc sống. Như tấm lòng thiện nguyện của mọi người trong cộng đồng xã hội được gom lại, rồi thông qua Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã trao hàng trăm xe đạp, xe lăn và những suất quà ý nghĩa cho những hộ nghèo có NKT.

Với phương châm giúp NKT vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hơn 10 năm gần đây, toàn tỉnh có hơn 1.000 NKT được hỗ trợ học nghề, như: May mặc, xoa bóp bấm huyệt, chăn nuôi, trồng trọt… Nhờ đó, nhiều NKT được  doanh nghiệp nhận vào làm việc hoặc tự tạo được việc làm mới với mức thu nhập ổn định.

Cùng hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ về nhà ở và vốn phát triển kinh tế, nhiều NKT còn được các cơ quan chức năng trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi có nhu cầu. Các tổ chức hội phối hợp với ngành Y tế tổ chức khám, cấp thuốc miền phí cho khoảng 10.000 lượt người khuyết tật/năm; ngành Văn hóa tạo thuận lợi cho NKT tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như không thu vé NKT vào tham quan bảo tàng, đọc sách thư viện; các điểm du lịch thực hiện giảm giá vé qua cửa vào thăm.

Các công trình văn hóa, sân chơi thể thao, giao thông đô thị được xây dựng trong những năm gần đây đều có đường đi riêng, phù hợp cho NKT sử dụng…

Đặc biệt, hằng năm tỉnh đều thành lập đoàn tham dự giải thể thao NKT toàn quốc. Vận động viên là NKT cũng giành được nhiều thành tích trên các đấu trường bằng những tấm huy chương.

Cả xã hội cùng dang rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ, hỗ trợ để NKT vượt lên mặc cảm, tự ti, sống hòa nhập với cộng đồng. Các hoạt động trợ giúp đầy tình người trở thành liều thuốc quý, bồi bổ cho NKT thêm nghị lực vươn lên.