Khi tuổi càng cao, ông bà, cha mẹ càng cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc của con cháu. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện của nhiều gia đình, ngày càng nhiều người lớn tuổi phải tự chăm sóc bản thân, thậm chí còn chăm sóc thêm cả cha mẹ già yếu.
Cụ Nguyễn Hoàng (104 tuổi, ở tổ 15, phường Cam giá, TP. Thái Nguyên) luôn quây quần bên con cháu. |
Cụ già “trẻ” chăm cụ già… “già”
Ở tuổi 73, bà Nguyễn Thanh, giáo viên nghỉ hưu ở tổ dân phố 14, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên, mới có thời gian và điều kiện để chăm lo cho bản thân mình. Hàng ngày, trừ những hôm trời mưa to, bà đều đặn đạp xe và tập thể dục vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nhờ vậy, căn bệnh đau nhức xương khớp đã được cải thiện, bà đi lại nhanh nhẹn, không còn phải dính lấy cây gậy như vài ba năm trước.
Những lúc rảnh rỗi, bà nhờ các cháu cài đặt và hướng dẫn sử dụng thiết bị thông minh để tìm các bài tập tăng cường sức khoẻ, xem chuyên gia tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hàng ngày cùng các kỹ năng chăm sóc người cao tuổi.
Bà rất sợ bị ốm đau vì cho dù phải nằm viện hay điều trị tại nhà thì các con bà phải thay nhau xin nghỉ làm để chăm lo cơm nước, thuốc thang cho mẹ, ảnh hưởng đến công việc. Bà xác định sống vui, khoẻ để con cháu yên tâm công tác và học tập là cách yêu thương, giúp đỡ con cháu thiết thực nhất.
Với suy nghĩ tích cực, bà Thanh đang chuẩn bị cho quãng thời gian tuổi già trước mắt, để có thể sống vui, khoẻ bên con cháu giống như cụ thân sinh của bà năm nay đã 104 tuổi. Cụ Nguyễn Hoàng (tổ 15, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên), là bố đẻ của bà Thanh, vốn là thương binh từ thời chống Pháp và chống Mỹ, lại ở tuổi “xưa nay hiếm” nên mắt đã kém và khó khăn trong việc đi lại. Tuy nhiên, tinh thần của cụ luôn rất tích cực, lạc quan trong cuộc sống, tính tình vui vẻ và đặc biệt là trí óc rất minh mẫn.
Bà Thanh tâm sự: - Cha mẹ tôi có 7 người con, anh trai cả là liệt sĩ, tôi là con thứ hai, người trẻ nhất năm nay cũng đã hơn 60 tuổi. Rõ ràng chúng tôi cũng đều là các “ông già, bà cả” đúng nghĩa, đến tuổi nghỉ ngơi bên con cháu. Vì thế, mỗi khi thấy chúng tôi chăm sóc cha già, mọi người luôn đùa là “cụ già trẻ chăm cụ già già”.
Theo lời kể của bà Thanh, các con của cụ Hoàng đều theo nghề giáo viên và công nhân, không có ai theo nghề Y nên không có kỹ năng về chăm sóc sức khoẻ cũng như chăm sóc người già. Việc chăm sóc cụ chủ yếu là bằng tấm lòng và sự tận tuỵ nên đôi khi cũng xảy ra bất đồng giữa các anh chị em. Đơn giản như chế độ ăn uống của cụ, người thì quan niệm là phải bồi bổ thật nhiều để tăng cường sức khoẻ, người thì cho rằng tuổi cụ đã cao, không nên ăn quá nhiều dễ dẫn đến quá tải. Trong khi cụ vốn rất hiền lành, hay chiều theo ý các con nên con nào làm món gì cụ cũng vui vẻ ăn bằng hết để các con vui lòng. Hoặc đối với sinh hoạt hàng ngày của cụ, cũng mỗi người mỗi ý, chỉ căn cứ theo kinh nghiệm của bản thân mình.
Những năm trước đây, để chăm lo cho cha mẹ già, em trai kế bà Thanh đã xin nghỉ hưu sớm về ở cùng hai cụ tại phường Cam Giá. Hai năm trước đây, cụ bà qua đời ở tuổi 98, người em trai bà Thanh đã hơn 70 tuổi, sức khoẻ cũng giảm sút, cộng thêm bị tai nạn giao thông, cần được nghỉ ngơi. Các con của cụ xin phép đón cụ đến ở cùng một người con gái khác để tiện chăm sóc.
Bà Thanh cho rằng chăm sóc, phục vụ người già vô cùng vất vả, đây là công việc nặng nhọc ngay cả đối với những người trẻ, khoẻ ở độ tuổi lao động. Bởi người già không chỉ giảm sút về thể trạng mà các chức năng cơ thể cũng đã kém nhiều, rất dễ bị bệnh tật, ốm đau. Vì thế, cần nhất là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tinh ý. Chỉ riêng việc chuẩn bị đồ ăn cũng tốn nhiều công sức, thức ăn phải nấu nhừ, chia làm nhiều bữa trong ngày và cân đối dinh dưỡng, giờ ăn còn phải phù hợp với giờ uống thuốc.
Sống chung với người già còn cần học cách lắng nghe, các cụ rất thích nói chuyện, có những chuyện nói đi nói lại nhưng con cháu vẫn phải tỏ ra thích thú lắng nghe tránh cho các cụ có cảm giác bị bỏ rơi, dễ tủi thân, hờn dỗi...
Nhu cầu của người già chủ yếu là về đời sống tình cảm, xoay quanh chăm sóc sức khỏe và được quây quần bên con cháu, vì thế việc chăm sóc cha già đối với chúng tôi mà nói, là niềm hạnh phúc chứ không phải là gánh nặng - bà Thanh nói.
Hai cụ già chăm nhau
Khác với gia đình cụ Hoàng, gia đình cụ Đoàn ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) từ nhiều năm nay chỉ có hai cụ chung sống. Ngay từ lúc còn trẻ, cụ bà đã nổi tiếng khó tính trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong ăn uống. Cụ cũng không muốn con cháu đến nhà chơi bởi không thích ồn ào. Không yên tâm khi người khác làm vì sợ không đảm bảo vệ sinh, toàn bộ đồ ăn thức uống hàng ngày hai cụ đều cẩn trọng tự tay chuẩn bị, nấu nướng.
Ông Tâm, 60 tuổi, con của cụ Đoàn, tâm sự:
- Cụ ông nhà tôi năm nay 85 tuổi, cụ bà 81 tuổi, trước đây đều là cán bộ Nhà nước, có vị trí xã hội và được nhiều người nể, từ khi nghỉ hưu, các cụ có cảm giác bị lãng quên, nên thường tự ti, nóng nảy, dễ tủi thân. Trừ những khi đau ốm phải đi viện còn bình thường các cụ không chấp nhận sự giúp đỡ của con cháu. Về điều kiện kinh tế, chúng tôi có thể thuê người giúp việc để các cụ đỡ vất vả nhưng đây cũng không phải là giải pháp, bởi họ cũng chỉ làm được một số việc như dọn nhà, nấu nướng chứ không có kỹ năng chăm sóc người già…
Theo thông tin từ Bộ Lao động Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù ở riêng hay ở cùng con cháu thì việc người già chăm sóc lẫn nhau ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đây đều là những đối tượng cần được an hưởng tuổi già, họ không có đủ điều kiện cả về sức khoẻ và chuyên môn để phục vụ người khác.
“Bài toán” về nhân lực chăm sóc người già tại nhà và ngành nghề điều dưỡng gia đình đang cần được quan tâm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin