Đừng gượng ép thoát nghèo vì thành tích

Hoàng Bách 08:54, 14/01/2024

Trong những chuyến đi tìm hiểu thực tế tại cơ sở, về tận các bản, làng vùng cao của tỉnh, tôi và các đồng nghiệp vui lắm khi nhiều hộ dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Đáng mừng là sau thoát nghèo, với tiềm lực kinh tế ngày càng vững vàng, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cậu chuyện thoát nghèo có lẽ sẽ là niềm vui trọn vẹn như thế nếu ở một số nơi không có những trường hợp, dù điều kiện kinh tế còn vô vàn những khó khăn vẫn buộc phải thoát nghèo để địa phương hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Nhiều người dân cho rằng, việc buộc các hộ thoát nghèo trong khi chưa đủ điều kiện chẳng khác nào ép quả xanh phải chín. Rõ ràng, nhiều hộ, điều kiện kinh tế vẫn còn rất khó khăn, thu nhập bếp bênh, con cái nheo nhóc, khi thoát nghèo, đời sống của họ đã khó nay còn khó khăn hơn.

Đơn cử, có hộ dân được hỗ trợ một khoản tiền để dựng lại ngôi nhà, liền đưa ngay hộ này vào danh sách đủ điều kiện để thoát nghèo. Tuy nhiên, sau khi dựng được ngôi nhà, hộ dân ấy vẫn còn vô vàn những thứ phải lo, nào là trả nợ số tiền vay người thân, bạn bè để đối ứng xây ngôi nhà mới, nào là tiền sinh hoạt phí, tiền đóng học cho con… Trong khi đó, thu nhập của gia đình vẫn chỉ trông vào vài sào lúa, sào chè, cả năm làm cật lực vẫn không thể tránh khỏi cảnh thiếu trước hụt sau.

Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi buộc phải thoát nghèo, các hộ dân này không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, như: Vay vốn với lãi suất thấp; không được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau.

Đặc biệt, con em họ khi đi học không còn được miễn học phí. Và như vậy, khó khăn càng thêm chồng chất khiến cho cuộc sống của họ càng bí bó ngay sau khi thoát nghèo. Với chiều hướng này, việc các hộ đó tái nghèo là lẽ đương nhiên.

Hỗ trợ, khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, nhiều địa phương, do chạy theo thành tích nên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn để xảy ra tình trạng buộc hộ khó thoát nghèo không bền vững.

Vẫn biết, giảm nghèo là công tác không dễ dàng, phải làm lâu dài và có lộ trình để người dân thực sự thoát nghèo bền vững. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên có sự giám sát chặt chẽ tại cơ sở, để không xảy ra tình trạng cố thoát nghèo vì thành tích, sau đó lại tái nghèo…