Kỷ vật đi B - Hồi ức thiêng liêng đáng trân trọng

Linh Lan 09:12, 30/01/2024

Cuối tháng 11-2023, chúng tôi được dự Hội nghị công bố, trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1959-1975 do Sở Nội vụ tổ chức, với sự tham gia của nhiều cán bộ đã đi B và người thân của họ. Tại Hội nghị, 35 hồ sơ đã được trao cho cán bộ đi B và thân nhân họ, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) bàn giao.

Một số cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1959-1975 và người thân xem lại các hồ sơ, kỷ vật do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước bàn giao.
Một số cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1959-1975 và người thân xem lại các hồ sơ, kỷ vật do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) bàn giao.

Các tài liệu trong hồ sơ gồm: Bản sao chứng thực sơ yếu lý lịch; giấy khám sức khỏe; đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự; giấy giới thiệu; giấy thuyên chuyển; thẻ học sinh, học bạ, văn bản nhận xét của cán bộ đi B… Trong mỗi bộ hồ sơ còn có nhiều kỷ vật xúc động như: Sổ tay, thư tay, nhật ký, giấy khen, huân, huy chương…

Từ cuối năm 1959, hòa cùng khí thế của cả dân tộc hướng về miền Nam thân yêu, hàng trăm cán bộ đang là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, công nhân, sinh viên ở Thái Nguyên đã hăng hái vượt Trường Sơn vào Nam công tác (gọi tắt là đi B). Trước khi đi, theo quy định, họ phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ.

Trong số các kỷ vật được trao trả lần này, chúng tôi chú ý tới nhiều bức thư tình nguyện lên đường đi B của các cán bộ, thể hiện tinh thần xung phong đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đơn tình nguyện đi B của bà Lê Thị Bình, sinh năm 1952, ở xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên (nay là TP. PHổ Yên) viết ngày 24/3/1973 có nội dung: “Tôi sẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng cần. Do yêu cầu chung hiện nay, tôi tự thấy bản thân có đủ sức khoẻ, khả năng để góp phần nhỏ bé của mình cùng cả nước xây dựng và củng cố miền Nam ngày càng vững mạnh”…

Bức thư của ông Phùng Đức Niên, sinh năm 1948 (nay ở xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) viết ngày 7/12/1970 cũng chứa chan tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ: “Nghe theo tiếng gọi của Đảng, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, tôi là một đoàn viên, cán bộ công nhân nhà nước XHCN có nghiệp vụ, sức khoẻ sẵn sàng lên đường cùng đồng bào miền Nam gánh vác nhiệm vụ, góp sức đánh giặc Mỹ xâm lược”.

Ngồi kể lại câu chuyện đi B với lớp trẻ chúng tôi hôm nay, ông Niên luôn tự hào khi mình đã vào Nam công tác, thực hiện nhiệm vụ là chiến sĩ điện đài thông tin trên chiến trường Bình Trị Thiên. Ông bảo: Niềm vinh hạnh nhất với tôi là đã được kết nạp Đảng trong chiến trường. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm cao hơn, góp sức đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Lá đơn tình nguyện của ông Nguyễn Kim, sinh năm 1942, cựu giáo chức ở xã Bản Ngoại (Đại Từ) viết ngày 13/2/1969, cũng đầy xúc động: “Tôi là một đoàn viên khoẻ mạnh, một đảng viên trẻ, tôi không thể công tác như bình thường được, mà phải hăng hái, tích cực làm việc bằng hai, lao vào khó khăn gian khổ, xông vào tuyến đầu để đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận giáo dục và đào tạo”…

Và người thanh niên, giáo viên, đảng viên trẻ Nguyễn Kim đã tạm biệt học trò, tạm biệt quê hương để vào chiến trường B. Trong chiến trường khốc liệt, ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ của một giáo viên các lớp bình dân học vụ giữa những mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vinh dự được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam vì có thành tích xây dựng tốt phong trào giáo dục ở vùng giải phóng.

Xem lại những kỷ vật của mình, ông Kim xúc động nói: Kỷ vật giúp tôi nhớ lại hồi ức đầy gian khó mà nhiệt huyết của thanh xuân. Hồi ấy, trong cực khổ, nguy hiểm của chiến tranh, nhìn những học trò ham học, đồng bào vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa động viên con em học tập, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn động lực để chiến đấu với giặc dốt ngay trên chiến trường.

Một số hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1959-1975.
Một số hồ sơ, kỷ vật của cán bộ tỉnh Thái Nguyên đi B trong giai đoạn 1959-1975.

Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ và họ ra đi không hẹn ngày về. Nay, những con người ấy, người còn, người mất, nên khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, là nguồn tài liệu quý giá.

Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Những hồ sơ này không chỉ lưu lại thông tin cá nhân của cán bộ đi B, mà còn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, minh chứng cho tinh thần yêu nước, cách mạng của các thế hệ cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung trong giai đoạn cách mạng hào hùng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước tại tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022-2030”.

Theo đó, các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên (Sở Nội vụ) đã tích cực phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong rà soát, sàng lọc thông tin. Trong số gần 72 nghìn hồ sơ, kỷ vật được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia, cán bộ của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã hoàn thành việc tiếp nhận 199 hồ sơ bản sao đi B của cán bộ tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời khẩn trương rà soát thông tin, địa chỉ liên lạc của từng cán bộ đi B với các địa phương để hoàn thiện thủ tục tiến hành lưu trữ, trao trả cho cán bộ đi B và người thân. Kết quả, đã tra tìm được địa chỉ của 120/199 cán bộ đi B theo danh sách, còn lại 79 cán bộ đi B chưa tìm được địa chỉ do họ thay đổi nơi ở, có cán bộ đã qua đời, người thân không còn sinh sống ở địa phương.

Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định: Việc lưu trữ, trao trả những kỷ vật đi B cho cán bộ, người thân của họ là hoạt động thể hiện sự tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hồ sơ, kỷ vật đi B đã cho chúng ta, những công dân thế hệ sau hình dung và trân trọng hơn những đóng góp của các cán bộ đi B giai đoạn trước. Vì thế, ngoài giá trị về mặt tinh thần, chúng tôi hiểu những hồ sơ này còn có giá trị pháp lý để làm căn cứ thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

“Trong thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử và các cơ quan liên quan của tỉnh tiến hành xác minh đối với những hồ sơ còn lại để sớm đưa về với chủ nhân cũng như thân nhân cán bộ đi B”. - Ông  Nguyễn Thành Minh cho biết thêm.