Son sắt một niềm tin

Phạm Ngọc Chuẩn  07:54, 12/01/2024

Vượt qua nỗi đau mất mát trong chiến tranh, những người có công với cách mạng (NCC) và thân nhân liệt sĩ trên quê hương Thái Nguyên Anh hùng tiếp tục tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Họ dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn một lòng son sắt với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Cụ Phạm Văn Lưỡng, cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương).
Cụ Phạm Văn Lưỡng, cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương).

94 tuổi nhưng cụ Phạm Văn Lưỡng, cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ kể cho chúng tôi nghe về một thời đạn lửa; về các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương rành rẽ, ắp đầy niềm tự hào. Cụ bảo: Ngày còn trẻ, Tổ quốc cần chúng tôi sẵn sàng. Nay tuổi cao, nhưng trí sáng, lòng trong, chúng tôi động viên nhau gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực vận động bà con cùng tham gia.

Cụ Lưỡng là 1 trong hơn 130.000 NCC của tỉnh. Hầu hết NCC và thân nhân liệt sĩ đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cùng nhân dân nơi cư trú, nhiều gia đình NCC tiên phong hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong ngôi nhà do Cục Bản đồ và chính quyền, nhân dân địa phương hỗ trợ xây dựng mới, ông Lưu Hoài Sơn, bệnh binh chất độc hóa học, xóm Chú 1, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa), phấn chấn nói: Định Hóa “thay da đổi thịt” được như hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ và sự đồng thuận của nhân dân. Trong sự đồng thuận luôn có vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những NCC, thân nhân NCC đã phát huy truyền thống yêu nước.

Ông Lưu Hoài Sơn, xóm Chú 1, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa), thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc hóa học (giữa), trong ngôi nhà mới xây dựng, được Cục Bản đồ hỗ trợ 80 triệu đồng.
Ông Lưu Hoài Sơn, xóm Chú 1, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa), thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc hóa học (giữa), trong ngôi nhà mới xây dựng, được Cục Bản đồ hỗ trợ 80 triệu đồng.

Chúng tôi về xóm Khe Mo, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), thăm gia đình bà Đỗ Thị Sáu, vợ Liệt sĩ Ngô Trình Thiềm. Dù đã quen với việc tiếp đón các đoàn công tác đại diện Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đến thăm, tặng quà động viên, nhưng lần nào bà cũng rớm lệ làm ai nấy có mặt đều xúc động. Chồng hy sinh, một mình nuôi con trong cực khổ nhưng bà luôn cố gắng vượt lên, với suy nghĩ sống gương mẫu để không hổ thẹn với linh hồn người lính.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Sang, xóm Đồng Sang, xã Cổ Lũng (Phú Lương), kể: 2 con của mẹ là Nguyễn Duy Bộ và Nguyễn Viết Huyền đều hy sinh vì Tổ quốc. Mẹ thương lắm, nhưng đó là sự hy sinh xứng đáng, vì Tổ quốc cần.

Những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đang sống cùng con, cháu, người thân hiện nay như: Mẹ Hoàng Thị Thích, xóm La Hóa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai); mẹ Nguyễn Thị Cộng, tổ 7, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên); mẹ Dương Thị Năng, tổ dân phố Quang Vinh 1, phường Châu Sơn (TP. Sông Công)… đều tuổi cao, sức yếu. Nhiều mẹ hiện không còn khả năng tự phục vụ bản thân, nhưng khi nói về Tổ quốc, ánh mắt vẫn sáng lên niềm tự hào.

Trải qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, tỉnh Thái Nguyên có hơn 580 phụ nữ được vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 12.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; hơn 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học. Di hại chiến tranh đeo đẳng làm bao gia đình NCC rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cùng mọi người dân đã sẻ chia, giúp đỡ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC và thân nhân liệt sĩ.

Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 2.000 gia đình, cá nhân có công giúp đỡ cách mạng; hơn 90.000 người hoạt động kháng chiến đã được tặng thưởng huân, huy chương; gần 80.000 NCC đã được giải quyết chế độ một lần hoặc hằng tháng theo các quyết định của Chính phủ.

Tỉnh đang thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hơn 130.000 NCC; các cấp, ngành, đơn vị liên quan đảm bảo thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời trợ cấp hằng tháng cho gần 20.000 NCC.

Đến cuối năm 2023, cơ quan chức năng của tỉnh đã tạo tài khoản số cho hơn 15.000 NCC. Hiện 9/9 huyện, thành phố đang thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho gần 11.000 NCC.

Các hoạt động tri ân, đền đáp công ơn các Anh hùng liệt sĩ; NCC, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ là phong trào, mà xuất phát từ trái tim, trách nhiệm và là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Đạo lý ấy được thể hiện bằng hành động cụ thể như hỗ trợ, giúp đỡ NCC, thân nhân NCC ổn định đời sống vật chất, nang cao đời sống tinh thần. Góp phần củng cố niềm tin son sắt của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những NCC và thân nhân NCC.