Là quê hương cách mạng với nhiều "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống, huyện Võ Nhai đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống lịch sử của địa phương.
Di tích lịch sử cấp tỉnh đình Mỏ Gà, xã Phú Thượng. |
Toàn huyện có 98 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được kiểm kê, trong đó có 17 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, huyện thành lập 17 ban quản lý di tích; đồng thời giao UBND các xã, thị trấn ban hành quyết định thành lập ban quản lý di tích cấp xã.
Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, chia sẻ: Ban Quản lý di tích xã Tràng Xá thực hiện các nhiệm vụ như: Tiếp nhận khai báo về di tích mới phát hiện, kiến nghị việc xếp hạng di tích với cơ quan có thẩm quyền; chủ động phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường của di tích...
Cùng với phát huy vai trò của ban quản lý di tích các cấp, Võ Nhai còn tranh thủ các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo nhiều di tích. Theo đó, tính từ năm 2009 đến nay, từ nguồn vốn của tỉnh và các sở, ngành, huyện đã thực hiện tu bổ, tôn tạo 7 di tích, với tổng kinh phí 21 tỷ đồng. Tiêu biểu như: công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II (rừng Khuôn Mánh), thực hiện trong giai đoạn 2009-2020, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng; tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà 2, thực hiện trong giai đoạn 2009-2018, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; Dự án xây dựng, bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2019-2021...
Những di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo, đưa vào sử dụng đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, sự mong đợi của nhân dân địa phương; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng.
Để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, huyện Võ Nhai cũng chú trọng triển khai công tác bảo vệ, ngăn chặn các vi phạm, xâm lấn di tích. Huyện đã thực hiện cắm mốc giới, trích lục bản đồ địa chính các di tích hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà; hang Sa Khao; Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Làng Vang, xã Liên Minh; địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai.
Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II (rừng Khuôn Mánh) từ 17.662,5m2 lên 52.910m2...
Theo bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Nhai: Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích đã góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo động lực thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển. Trong năm 2023, toàn huyện thu hút 130.530 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, doanh thu đạt 9 tỷ đồng, tăng 500 triệu đồng so với năm 2022.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định song quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của huyện Võ Nhai vẫn gặp những khó khăn, như: Một số di tích đã xuống cấp nhưng do thiếu nguồn kinh phí nên công tác bảo tồn chưa kịp thời; cán bộ thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa tại cơ quan chuyên môn phải kiêm nhiệm...
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia; đề xuất bổ sung biên chế chuyên trách thực hiện công tác quản lý di sản văn hóa tại cơ quan chuyên môn cấp huyện...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin