Trong chuyến công tác lên Tây Bắc lần này, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất ven trời Tây Bắc: Lai Châu. 20 năm kể từ ngày chia tách tỉnh (2004-2024), vùng đất Lai Châu gian khó nhất đất nước ngày nào giờ đã khoác trên mình diện mạo mới, nhiều nét hiện đại nhưng cũng giàu bản sắc...
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi nghiệp vụ với Báo Lai Châu. Ảnh: Thu Hương |
Trên cung đường quanh co đèo, dốc tới Lai Châu, trong tôi cứ văng vẳng những câu thơ trong bài “Gửi Lai Châu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu…
Nhắc đến địa danh Lai Châu, theo những dòng lịch sử tôi được học thì cách đây 115 năm, ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu, danh xưng Lai Châu gắn liền với cấp độ một đơn vị hành chính cấp tỉnh ra đời. Dưới chế độ thực dân, phong kiến, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa thắng lợi, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 đã ra Nghị quyết số 34 về thành lập Ban cán sự Lai Châu - tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay.
Lai Châu xưa là nơi núi cao rừng thẳm, xa xôi thì nay vùng đất này có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong thúc đẩy kinh tế - xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Tỉnh Lai Châu mới sau khi chia tách có 4 đơn vị hành chính, gồm các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu cũ) và huyện Than Uyên (Lào Cai).
Những ngày đầu mới chia tách, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế kém phát triển, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất nước. Lúc ấy, tỉnh có 88 xã, thị trấn thì 74 xã đặc biệt khó khăn; hơn 63% hộ đói nghèo. Lai Châu có 5 dân tộc đặc biệt khó khăn, với gần 100% số hộ đói nghèo là: Mảng, La Hủ, Si La, Khơ Mú, Cống... Trong bối cảnh ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Cũng bởi vừa chia tách, tỉnh còn bộn bề khó khăn nên cả nước hướng về Lai Châu cùng chia ngọt, sẻ bùi. Ngoài sự chi viện của tỉnh Điện Biên cùng hoàn cảnh chia tách, rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã chia sẻ với Lai Châu sức người, sức của và Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Cái thuở ban đầu gian khó ấy, Lai Châu non trẻ về mọi mặt, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Bởi thế, chúng tôi, những người làm báo Đảng Thái Nguyên đã đến ven trời Tây Bắc, chung tay làm nhiệm vụ tuyên truyền. Kíp tăng cường lên Lai Châu của Báo Thái Nguyên gồm 1 phóng viên và 1 kỹ thuật viên. Tòa soạn phải đi thuê nhà dân, anh, chị em phóng viên Lai Châu, Thái Nguyên cùng ăn, cùng ở, chia nhau đi tác nghiệp những địa bàn sâu, xa nhất. Chúng tôi đã đặt chân đến Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ để phản ánh về sự đồng thuận của ý Đảng lòng dân nỗ lực đưa Lai Châu vượt khó. Chúng tôi cũng đã trắng đêm để đọc và thấm các Nghị quyết táo bạo của Đảng bộ tỉnh Lai Châu thời điểm đó nhằm đưa vùng đất này bứt phá. Vậy mà đã 20 năm tròn.
Đường 58m là trục chính phát triển đô thị thành phố Lai Châu. Ảnh: Thu Hoài |
Trở lại Lai Châu, cảm giác như về thăm nhà cũ, đồng nghiệp đón chúng tôi trong vòng tay ôm chặt, mừng vui. Phó Tổng biên tập Báo Lai Châu Vũ Thị Thu Hương xúc động nhắc nhớ những ngày gian khó và thông tin đến chúng tôi nhiều con số vui: 20 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Lai Châu tăng trưởng bình quân trên 9%/ năm. Tỉnh hiện có 8 đơn vị hành chính gồm 7 huyện và 1 thành phố. Năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 70 lần so với năm đầu mới chia tách, thành lập; có 41,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 25%. Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng lớn mạnh, từ 5 đảng bộ trực thuộc, 204 tổ chức cơ sở đảng với 8.300 đảng viên năm 2004, đến nay đã tăng lên 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng và trên 30 nghìn đảng viên.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Báo Lai Châu cũng không ngừng lớn mạnh. Khi tách tỉnh, Báo chỉ có 6 người, xuất bản 1kỳ/tuần, giờ đây, với có 32 cán bộ, viên chức, Tòa soạn đã xuất bản 5 kỳ báo/tuần (gồm cả báo thời sự và báo cuối tuần), đáp ứng nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng bộ, diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu. Tháng Tư này, Báo Lai Châu kỷ niệm 20 năm thành lập.
Nhắc ngày xưa để tiếp tục chuyện bây giờ, chúng tôi cùng ra Quảng trường Nhân dân chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất miền biên viễn. Đại lộ 58m thênh thang, hồ điều hòa và hàng cây dịu mát giữa TP. Lai Châu vẽ lên bức tranh hiện đại, hữu tình. Khi màn đêm buông, Quảng trường Lai Châu nhộn nhịp người dân đến vui chơi, Phố đi bộ Hoàng Diệu bừng lên ánh đèn rực rỡ. Những tưởng chỉ người nơi xa mới bất ngờ về sự đổi thay này, nhưng không, ngay cả người dân cũng ngỡ ngàng về diện mạo mới của mảnh đất mình đang sống. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồi, phố Quyết Tiến, phường Tân Phong, TP. Lai Châu ngay cuối đường đi bộ, thong thả từng bước chân, chị bảo: Từ ngày có phố đi bộ (năm 2022), hầu như cuối tuần nào tôi cũng ra đây. Mấy năm trước, tôi không nghĩ Lai Châu lại có phố đi bộ đẹp như thế này. Chắc hẳn sẽ còn nhiều bất ngờ nếu chúng tôi ở Lai Châu thêm nữa, nhưng cuộc hội ngộ nào cũng đến lúc chia tay. Tạm biệt vùng đất miền biên viễn xa xôi nhưng gần gũi, thân tình, tôi lại bâng khuâng với lời thơ của Trần Mạnh Hảo: Em đứng đó mây ven trời vô kể/Để suốt đời anh mắc nợ Lai Châu... với riêng tôi, Lai Châu nhiều lắm những ân tình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin