Gặp các bạn đồng môn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên đất Vạn Thọ

Vi Vân 19:22, 26/07/2024

Trong 2 ngày Quốc tang (25 và 26-7), Đảng ủy, HĐND, UBND xã Vạn Thọ (Đại Từ) trang trọng lập bàn thờ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa xã để nhân dân đến thắp hương, tỏ lòng thành kính. Tại đây, chúng tôi có dịp gặp những người bạn đồng môn, học cùng lớp Ngữ văn khóa 8, (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) với Tổng Bí thư, từ Thủ đô sơ tán lên xã Vạn Thọ (giai đoạn 1965-1967).

Các bạn đồng môn và người dân tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa xã Vạn Thọ (Đại Từ).
Các bạn đồng môn và người dân tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa xã Vạn Thọ (Đại Từ).

Hơn 8 giờ ngày 26-7, ngày thứ 2 Quốc tang Tổng Bí thư, từng đoàn người ở khắp các địa phương trong và ngoài địa bàn huyện Đại Từ về đây, xếp hàng ngay ngắn chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa xã Vạn Thọ với niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc. Trong đoàn người ấy, chúng tôi có dịp được gặp các ông: Trần Đình Thảo (sinh năm 1942), nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam; Phan Văn Kính (sinh năm 1943), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa; Dương Quang Minh (sinh năm 1941), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn phòng Chính phủ và ông Nguyễn Ngọc Chung (sinh năm 1945), nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới trong ta.

Các bạn học cùng lớp Ngữ văn khóa 8 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết sổ tang tại xã Vạn Thọ (Đại Từ).
Các bạn học cùng lớp Ngữ văn khóa 8 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết sổ tang tại xã Vạn Thọ (Đại Từ).

Trong niềm xúc động không nguôi, ông Phan Văn Kính chia sẻ: Tôi với anh Trọng học cùng với nhau lớp Ngữ văn khóa 8. Trong những năm cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt tại Hà Nội, chúng tôi được Nhà trường sơ tán lớp lên xã Vạn Thọ và có nhiều kỷ niệm khó quên bên nhau.

Xúc động gạt hàng nước mắt, ông Kính nghẹn nghào kể tiếp: Khi chúng tôi sơ tán lên xã Vạn Thọ, nơi đây chỉ toàn đồng ruộng, mùa lụt nước lũ lên, đi lại rất vất vả. Để có chỗ ở, mọi người lên rừng chặt nứa về dựng lán. Tôi nhớ như in một kỷ niệm cách đây 55 năm, khi đó tôi xung phong viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Anh Trọng ngủ cùng với tôi đêm đó và chúng tôi đã kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện vui. Sáng hôm sau, khi khoác ba lô lên xe, tôi nhìn lại và thấy nét mặt anh Trọng rất buồn, hai hàng nước mắt lăn trên gò má. Tôi thầm hiểu rằng, cuộc chia tay này của chúng tôi sẽ khó có ngày gặp lại. Nhưng may mắn thay, 8 năm sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi ở chiến trường trở về, chúng tôi gặp lại, cũng dành cho nhau những giọt nước mắt, nhưng đó là giọt nước mắt của sự đoàn tụ, của ngày gặp lại.

Ông Phan Văn Kính (người mặc áo xanh) gặp lại người dân xã Vạn Thọ (Đại Từ).
Ông Phan Văn Kính (người mặc áo xanh) gặp lại người dân xã Vạn Thọ (Đại Từ).

Hay tin bạn đồng môn từ trần, ông Kính bắt xe từ Khánh Hòa ra Hà Nội để viếng tại Nhà tang lễ quốc gia. Sau đó, ông cùng với các bạn đồng môn bắt xe từ Hà Nội về xã Vạn Thọ, thắp hương cho Tổng Bí thư và ôn lại những kỷ niệm thời sinh viên ở đây.

Tay run run cầm cây bút viết vào cuốn sổ tang tại xã Vạn Thọ, ông Dương Quang Minh xúc động ghi: Thế là bạn đã về trời/ Gửi lại đất mẹ cơ ngơi huy hoàng/ Tám mươi năm ấy tuổi vàng/ Học hành, công tác ngang hàng vĩ nhân/ Với tôi người bạn thân gần/ Quý thương bạn biết bao lần lệ rơi…

Và cũng trong cuốn sổ tang, ông Minh, ông Chung và ông Thảo không quên bày tỏ, ghi nhớ công ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Thọ, đặc biệt là bà con Tràng Dương (một xóm của xã Vạn Thọ trước đây - nơi các sinh viên Khoa Ngữ Văn từng có thời gian sinh sống và học tập) đã nuôi dưỡng, đùm bọc các sinh viên như những người con trong nhà, trong những năm tháng khó khăn của cuộc kháng chiến.

Các bạn đồng môn chụp ảnh tại Cây lưu niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng trồng năm 2005, khi về thăm xã Vạn Thọ.
Các bạn đồng môn chụp ảnh tại cây lưu niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng trồng năm 2005, khi về thăm xã Vạn Thọ.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thọ Trần Quang Trung cho biết: Xã Vạn Thọ rất vinh dự và tự hào khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có thời gian sinh sống và học tập tại đây. Trong 2 ngày Quốc tang, xã đã tiếp đón hàng nghìn lượt người trong và ngoài địa phương đến thắp hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư, trong đó có những người bạn đồng môn. Phát huy truyền thống, chúng tôi quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chia tay những người bạn đồng môn của Tổng Bí thư, chúng tôi vẫn không khỏi xúc động trước những câu chuyện, kỷ niệm các ông đã cùng “chia ngọt sẻ bùi”. Như lời Tổng Bí thư viết trong cuốn sách “Từ mái trường này”: “Những ngày ở Tràng Dương là những ngày có biết bao sự kiện dội vào tâm hồn, ký ức của chúng tôi. Leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán. Công việc thật là mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cũng đầy ắp những nguy hiểm, gian truân. Những ngày nắng còn đỡ. Những ngày mưa mà leo ngược dốc, trèo lên núi cao, đường trơn, vực thẳm, vắt muỗi, gai cào… thật là không đơn giản. Ăn thì chỉ có bột mì luộc hoặc cơm 3 phần độn ngô với canh rau muống suông. Nếu có hái măng, nhặt trám, lấy củi thì cũng bán cho nhà bếp để có tiền chi dùng. Được cái sắn, khoai khá sẵn, lại rẻ. Tối mua luộc mà ăn thêm…”.