Từng đi qua chiến tranh, mang trong mình di chứng của chất độc da cam/dioxin (CĐDC) khiến sức khỏe yếu đi nhiều nhưng những nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh vẫn tích cực lao động sản xuất, truyền đạt kinh nghiệm sống cho con cháu noi theo và đóng góp cho xã hội.
Nạn nhân chất độc da cam Lê Đình Việt (xóm Phúc Thuần, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) cùng vợ chăm sóc vườn cây cảnh. |
Con đường nhỏ lởm chởm đất, đá trước kia của xóm Tân Thịnh, xã Tân Đức (Phú Bình), nay đã được đổ bê tông rộng rãi, thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương. Sự thay đổi này có đóng góp không nhỏ của ông Tống Xuân Mạc khi đi đầu trong việc hiến đất, vận động người thân, hàng xóm ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước.
Ông Mạc năm nay 70 tuổi, là một trong những nạn nhân CĐDC trong cuộc chiến tranh. Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, từng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị. Ông nhớ lại: Thời điểm ấy, chiến trường khốc liệt vô cùng. Tôi nghĩ mình nhiễm chất độc dioxin tại Quảng Trị. Bởi lúc đó, nước ở những con sông, suối, kênh mương đều có mùi, vị lạ nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải uống.
Nhiễm CĐDC, ông Mạc phải vật lộn với nhiều di chứng như suy giảm sức khỏe, nổi mề đay, người đau nhức… Hai năm trở lại đây, ông còn phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng. Thế nhưng, những điều đó không khuất phục được ý chí người lính, ông Mạc đã thể hiện một tinh thần lạc quan và sự kiên cường đáng khâm phục.
Trước kia, ông cần cù lao động làm ruộng, chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, động viên các hội viên cùng cảnh. Từ khi phát hiện bị mắc ung thư, ngoài những lúc quá mệt do xạ trị, ông vẫn rèn luyện sức khỏe, bảo ban con cháu chăm chỉ lao động, học tập.
Đặc biệt, năm 2023, ông còn động viên gia đình hiến gần 500m2 đất để phục vụ xóm làm đường. Với sự tiên phong của ông, các gia đình trong xóm cũng đồng lòng hiến đất, góp sức để mở rộng đường, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Mạc chia sẻ, dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn gắng giữ niềm tin và lạc quan, hướng tới xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng như ông Mạc, tuy sức khỏe không tốt, song thương binh, nạn nhân CĐDC Vi Hồng Vinh (tổ dân phố Làng Lường, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai) vẫn vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông Vinh nhập ngũ năm 1965, tham gia chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị). Xuất ngũ, là thương binh và mang trong mình di chứng CĐDC, song với bản lĩnh và ý chí được trui rèn, ông luôn tích cực lao động và cùng vợ nuôi dạy các con. Do ảnh hưởng CĐDC, trong số 4 người con có người bị dị tật, 1 người mất sớm, bản thân hay mệt mỏi, đau ốm nhưng ông Vinh vẫn động viên vợ cùng nhau nỗ lực vươn lên.
Ba năm trở lại đây, ông Vinh nghiên cứu thị trường và chuyển đổi đất vườn thành mô hình trồng rau thơm, gừng, nghệ cung cấp cho các chợ và nhà hàng trên địa bàn. Ngoài ra, ông cũng để ra 2 sào đất trồng bưởi, kết hợp với chăn nuôi gà. Trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Còn ông Lê Đình Việt (xóm Phúc Thuần, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, ông xuất ngũ trở về quê hương với thương tật gần 30% và là nạn nhân CĐDC. Trở về đời thường, không cam chịu hoàn cảnh khó khăn, ông đã nỗ lực khai hoang ruộng, vườn trồng lúa và rau màu, đào ao nuôi cá. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm...
Những nỗi đau, di chứng CĐDC trên các nạn nhân và con cháu họ khó nói hết bằng lời. Nhưng không đầu hàng trước số phận, các nạn nhân CĐDC ở tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực vươn lên và sống có ích. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, họ đã không ngừng lao động, nỗ lực từng ngày vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng ghi nhận và trở thành tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin