Những chuyện đáng ngẫm sau bão

Hoàng Hải 09:28, 06/10/2024

Siêu bão Yagi đi qua, công tác khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng, kịp thời, nhưng qua thực tế tác nghiệp để phản ánh công tác phòng, chống bão lũ và cứu hộ chúng tôi thấy có những chuyện đáng suy ngẫm.

1. Trong các ngày từ  9-15/9, nhiều khu vực của TP. Thái Nguyên và một số vùng trũng của các địa phương lân cận bị ngập sâu. Trước đó, công tác dự báo, cảnh báo đã được tăng cường nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, không chuẩn bị phương án ứng phó. Đến khi nước lũ dâng cao, mất điện… không ít gia đình bị cô lập, mắc kẹt, đối mặt với nguy hiểm, do chủ quan nên thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống.

2. Quá trình triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn tại những nơi bị ngập sâu, cô lập cũng bộc lộ hạn chế. Đó là việc thiếu người biết điều khiển phương tiện đường thủy nội địa như xuồng máy, ca nô. Mặc dù nhiều khu vực bị ngập lụt đã được cung cấp phương tiện nhưng không tìm được người lái. Hơn nữa, việc điều khiển ca nô, xuồng máy… không đơn giản chỉ đòi hỏi khả năng điều khiển, cứu hộ mà còn phải thông thuộc địa hình và khả năng xử lý tình huống… để đảm bảo an toàn cho bản thân và người được cứu hộ. Điều này không ai phù hợp hơn là người địa phương.

3. Trong những ngày lũ đỉnh điểm, Thái Nguyên đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ. Vậy nhưng, ngập lụt diễn biến rất nhanh, bất ngờ nên công tác tiếp nhận và mang đến nơi cần cứu trợ chưa thực sự kịp thời. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm không thể liên hệ với đầu mối tiếp nhận, không nắm được cụ thể nơi nào cần cứu trợ gấp… Không ít đơn vị, cá nhân cứu trợ tự phát nên xảy ra tình trạng có nơi, có người nhận được rất nhiều đồ (thường là khu vực phía ngoài, xung quanh vùng bị ngập sâu) còn những nơi bị cô lập, chia cắt lại chưa được cứu trợ kịp thời…

Đó chỉ là 3 trong số nhiều câu chuyện chúng tôi gặp trong quá trình tác nghiệp, mong rằng đây là những bài học kinh nghiệm để chúng ta chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai