Mô hình Tổ/nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường là hoạt động được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Thông qua thực hiện mô hình đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp chị em từng bước ổn định đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Phụ nữ dân tộc thiểu số xóm Mỏ Chì, xã Lân Quan (Đồng Hỷ) tìm hiểu thông tin về xây dựng mô hình tổ, nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 (Dự án 8) trên mạng internet. |
Những ngày cuối năm này, thành viên tổ hợp tác sản xuất gạo J02 ở xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đang tất bật chuẩn bị đơn hàng cho các cửa hàng, siêu thị và người tiêu dùng. Giờ đây, chỉ cần qua 1 chiếc điện thoại thông minh, gạo của Tổ hợp tác đã được giao đi các miền Tổ quốc. Đây là mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường mới nhất được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xây dựng trong triển khai Dự án 8. Tham gia Dự án, các thành viên được đào tạo, cung cấp kiến thức về quản lý chất lượng sản phẩm, tạo mã QR truy xuất nguồn gốc, tem nhãn bao bì sản phẩm, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, bán hàng online …
Chị Hoàng Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ (Định Hóa), cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ chờ thương lái đến mua trực tiếp, nhưng bây giờ, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, gạo của bà con có nhãn mác đẹp, rõ ràng xuất xứ, lên bán tại các sàn thương mại đã được nhiều người tiêu dùng biết và đặt mua. Chúng tôi đã mạnh dạn tham gia các chương trình Hội chợ nông sản và các hội chợ khác, đầu ra của gạo J02 đã dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Sau 4 năm triển khai thực hiện nội dung mô hình Tổ/nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường (thuộc Dự án 8), đến nay các cấp Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và thành lập được 9 mô hình tổ nhóm sinh kế và các cấp Hội cũng đang tiếp tục hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng mới các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế. Những hỗ trợ từ các cấp Hội LHPN đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội nâng cao kiến thức, năng lực, giúp chị em mạnh dạn, tự tin trong phát triển kinh tế, đặc biệt là tiếp cận công nghệ số để quảng bá giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Qua đó giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho chị em phụ nữ.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao đổi kinh nghiệm ứng dựng mô hình công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường với các thành viên Hợp tác xã Nông Nghiệp Dược Liệu Thiên Phúc (Đồng Hỷ). |
Nói về kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình, bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, tại các địa bàn thực hiện Dự án 8, cán bộ phụ nữ đã luôn nắm chắc địa bàn. Khi tiến hành, chúng tôi đã khảo sát kỹ, tìm hiểu thực tế xem mô hình, tổ nhóm sinh kế nào có thể phù hợp. Thực tế, từ vài hộ sản xuất là đã có thể bắt đầu hình thành tổ hợp tác, hình thành dự án phát triển cộng đồng. Cán bộ phụ nữ sẽ bám sát, vận động động viên hội viên cùng bắt tay thực hiện các tổ hợp tác. Chúng tôi cũng thúc đẩy, hỗ trợ bà con thành lập Dự án, hoàn chỉnh các tiêu chí để nhận được sự hỗ trợ. Sau đó, cán bộ hội tiếp tục bám sát các tổ nhóm trong vận hành, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sau khi các tổ nhóm sinh kế hình thành, quy trình sản xuất ổn định, cán bộ phụ nữ cùng đồng hành và hướng dẫn bà con việc quảng bá sản phẩm trên các sản thương mại điện tử, thực hiện các sự kiện hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Thái Nguyên, hỗ trợ việc mang sản phẩm từ Thái Nguyên tham gia các sự kiện quảng bá tại các địa phương khác… Qua một quá trình thực hiện thực tế, bà con đều hiểu, nắm rõ, thuần thục việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và xúc tiến thương mại.
Với cách làm như vậy, kết quả của đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình, tổ nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 có thể nhìn thấy rõ được ngay. Đó là việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của bà con, đồng bào các dân tộc thiểu số đã được đẩy mạnh. Thu nhập của bà con, của các thành viên trong tổ nhóm sinh kế được nâng cao, và từ việc nâng cao thu nhập thì đời sống ổn định, phát triển hơn.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mô hình sinh kế, dự kiến sẽ có thêm nhiều mô hình trong năm 2025. Hội LHPN tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Dự án 8 trên địa bàn, nỗ lực để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu góp phần mang lại những thay đổi tích cực cho đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin