Chống “bệnh” thành tích

Hằng Nga 16:54, 12/01/2025

Là phóng viên tuyên truyền ở lĩnh vực giáo dục lâu năm, tôi được nghe không ít phụ huynh tâm sự rằng nhìn vào bảng điểm khi con lên cấp THCS cảm thấy “sốc” vì kết quả nhiều môn rất thấp, trong khi ở bậc tiểu học điểm rất cao. Có phụ huynh nghĩ đây là cách đánh giá khác nhau giữa hai cấp học. Tuy nhiên, khi trao đổi với giáo viên bộ môn họ mới biết con rỗng kiến thức cơ bản.

Để phát huy sự chủ động sáng tạo của học sinh cần loại bỏ cách ra đề thi theo mẫu.
Để phát huy sự chủ động sáng tạo của học sinh cần loại bỏ cách ra đề thi theo "mẫu".

Các phụ huynh đặt nhiều câu hỏi, vì sao quá trình học tiểu học con đều được đánh giá là học lực khá, giỏi. Năm nào đi họp phụ huynh học sinh, cô giáo chủ nhiệm thông báo thì gần như trên 90% học sinh của lớp đều đạt học lực khá, giỏi, số học sinh giỏi chiếm 50-60%. Vậy học lực khá, giỏi ở đây có thực chất không?!

Đem câu chuyện của phụ huynh trao đổi với giáo viên cấp tiểu học, chúng tôi nhận thấy với cách dạy học hiện nay còn nhiều điều phải suy ngẫm. Hiện nay trước các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, nhiều trường tiểu học cho học sinh các dạng bài ôn tập. Khi thi các đề bài ra đều “sát” với nội dung ôn tập, vì thế học sinh ôn kỹ sẽ đạt điểm cao. Khi học sinh lên cấp học cao hơn, số môn học nhiều và cách thức ôn tập trước kỳ kiểm tra, thi cũng khác. Với cách học vẹt, không nắm vững kiến thức cơ bản nhiều em đạt điểm rất thấp. Các phụ huynh lại lao đao tìm chỗ cho con học thêm để bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, việc bổ sung kiến thức không thể trong một sớm một chiều.

Có cô giáo tâm sự thật với tôi, khi lên lớp dạy lớp 4 có từ ghép như: ghen ghét, gầy gộc, gieo rắc…, còn có học sinh không đọc nổi. Khi giáo viên trao đổi với cán bộ quản lý được yêu cầu phải dạy lại cho học sinh. Cô này cũng bày tỏ ngạc nhiên vì sao học sinh lên đến lớp 4 vẫn còn có trường hợp như vậy?!

Trong nhiều hội thảo của ngành Giáo dục, các cán bộ, giáo viên nhiều lần đưa ra đề nghị chống “Văn mẫu” thì cũng phải chống “Toán mẫu”.  Trong tiến trình hình thành bài học phải bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh, tổ chức bài học theo đúng tiến trình nhận thức của các em. Bên cạnh đó, xây dựng tiến trình kỹ năng thông qua thiết lập một chuỗi hoạt động học tập được thao tác hóa để học sinh đi từ trình độ hiện tại đến yêu cầu cần đạt. Về cách thức kiểm tra cần có sự đổi mới đánh giá theo định hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực học sinh. Đây cũng là giải pháp chống “bệnh” thành tích trong ngành Giáo dục.


Từ khóa:

chống bệnh

thành tích

giáo dục