“Chìa khóa” giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lương Hạnh 10:15, 16/10/2024

Cùng với chú trọng đầu tư hạ tầng, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 11,93% (năm 2021) xuống còn 5,85% (năm 2023).

Bà con dân tộc Tày ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), bày bán các loại cây ăn quả thế mạnh của địa phương tại khuôn viên nhà văn hóa xóm.
Bà con dân tộc Tày ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), bày bán các loại cây ăn quả thế mạnh của địa phương tại khuôn viên nhà văn hóa xóm.

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 50%, huyện Phú Lương xác định công tác giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025, huyện đã triển khai 9 dự án với tổng nguồn vốn trên 92,5 tỷ đồng. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, trong 2 năm (2022 và 2023), huyện triển khai 8 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với 185 hộ dân được nhận hỗ trợ các loại vật nuôi như: trâu, bò, dê sinh sản… Cùng với đó, hàng trăm hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ chè giống mới, tham gia tập huấn cách sản xuất, chế biến chè an toàn để nâng cao thu nhập. Nhờ đó góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của huyện lên 52 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là người DTTS giảm còn 3,76%.

Tại huyện miền núi Định Hóa, hàng trăm hộ dân vùng DTTS cũng đã tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Chị Đặng Thị Hoa, ở xóm Kim Tân, xã Kim Phượng, chia sẻ: Nhà tôi được hỗ trợ 100 con gà giống cùng 258kg thức ăn chăn nuôi hỗn hợp và tập huấn cách chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gà nhanh lớn, khỏe mạnh. Ngoài ra, tôi cũng được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế đồi rừng nên năm 2024, gia đình đã thoát nghèo.

Đối với huyện vùng cao Võ Nhai, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được triển khai đồng bộ, có hiệu quả đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo được chú trọng nhằm tạo điều kiện cho người lao động học nghề phù hợp, có việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Ông Phan Đức Cường, Bí thư Chi bộ xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn (Võ Nhai): Trung bình mỗi năm, trong xóm có hàng chục người tham gia các lớp dạy nghề như: may công nghiệp, điện công nghiệp, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn cho học viên khó khăn phát triển nghề đã học… Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và hạn chế đáng kể tình trạng lao động nông thôn phải đi làm ăn xa.

Thái Nguyên hiện có trên 384.000 người DTTS, chiếm gần 30% số dân. Để giúp đồng bào vượt khó, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Đơn cử, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, Thái Nguyên có tổng số 122 mô hình, dự án được phê duyệt (trong đó 114 mô hình, dự án triển khai năm 2022-2023). Theo đó đã có gần 3.700 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 43,1 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, gà và hỗ trợ vật tư để bà con sản xuất chè, lúa… Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tỉnh chú trọng triển khai. Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đào tạo cho hơn 18.200 lao động, trong đó 49,4% là người DTTS.

Nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Hóa được hỗ trợ bò giống để tạo sinh kế.
Nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Hóa được hỗ trợ bò giống để tạo sinh kế.

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án chuyên đề như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020”; Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” (Đề án 2037); Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, trắng điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn...

Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nên an sinh xã hội của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh giảm 3,36% số hộ nghèo DTTD (tương đương 3.100 hộ); năm 2023 giảm 2,72% (tương đương 2.635 hộ). Đến nay, 100% số xã ở vùng DTTS có điện sinh hoạt; 96,18% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90/98 xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới…

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và vận động đồng bào tích cực thực hiện, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có công tác giảm nghèo bền vững.