Để thay đổi nếp sống và tư duy phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Đại Từ đã đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó khơi dậy tinh thần tự lực của bà con, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống.
Nhờ tập trung đầu tư sản xuất, thâm canh chè, bà con dân tộc thiểu số ở xã Phú Thịnh (Đại Từ) đã từng bước nâng cao đời sống. |
Huyện Đại Từ có trên 840 xóm, tổ dân phố, với 165.000 người. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 27%, tập trung nhiều ở các xã: Phúc Lương, Đức Lương, Quân Chu, Phú Xuyên... Nhằm nâng cao mức sống, nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS, huyện tăng cường công tác dân vận, xây dựng các mô hình dân vận khéo, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực học hỏi phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời quan tâm nắm bắt thông tin, nhu cầu thực sự của người dân, điều kiện thực tiễn tại từng địa phương để có cách tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình phù hợp.
Để làm được như vậy, huyện đã phân công cán bộ làm dân vận thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thực hiện khảo sát, đánh giá cụ thể những thuận lợi, khó khăn. Từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền cho nhân dân biết, hiểu các chủ trương, định hướng nội dung thực hiện, giúp người dân nhận thức rõ mình là chủ thể thực hiện và cũng là chủ thể thụ hưởng các mô hình đó.
Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên nắm bắt tâm tư của người dân vùng DTTS, hệ thống dân vận các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Đồng thời phát huy tốt vai trò của cán bộ xóm, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Xã Phúc Lương có 95% số dân là đồng bào DTTS, từng là địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ. Mặc dù đất rộng, song người dân quen canh tác theo tập quán cũ nên năng suất cây trồng thấp. Vài năm trở lại đây, huyện phân công cán bộ phụ trách thường xuyên bám sát, hướng dẫn Phúc Lương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng phương pháp sản xuất mới, đồng thời mở các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật để nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con.
Tiếp theo, địa phương xây dựng mô hình kinh tế điểm như: Sản xuất giống lúa lai mới thay thế giống lúa Khang dân trước đây, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP… Sau khi đánh giá thấy hiệu quả, xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế và đời sống của người dân nâng lên đáng kể.
Ông Bùi Văn Minh, xóm Đồng Tiến, xã Phúc Lương, cho biết: Gia đình tôi có 7 sào ruộng, nhưng trước đây do chỉ cấy lúa 2 vụ nên thu nhập chẳng được là bao. Từ khi được cán bộ xã, cán bộ huyện hướng dẫn và cho đi tham quan học tập các mô hình thâm canh hiệu quả, vẫn trên diện tích ấy, tôi sản xuất thêm ngô và khoai tây vụ đông. Gia đình còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi, phân bón. Từ đó, kinh tế khấm khá hơn trước nhiều.
Không riêng ở Phúc Lương, từ việc thực hiện tốt công tác dân vận nên nhận thức của hầu hết người dân ở các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi trong cách làm kinh tế. Bà con đã biết phát huy lợi thế, mạnh dạn đầu tư sản xuất dựa trên kết quả phân tích, nghiên cứu các loại cây, con phù hợp theo điều kiện, đặc điểm từng vùng, đồng thời tích cực học hỏi thêm để đầu tư một cách có hiệu quả các mô hình kinh tế.
Nhờ đó, đời sống người dân các vùng đồng bào DTTS ở Đại Từ từng bước được nâng lên. Hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều, trên địa bàn huyện còn trên 630 hộ nghèo là người đồng bào DTTS, giảm trên 900 hộ so với năm 2021.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin