Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Cụ thể, năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; HĐND và UBND tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ về chi phí đào tạo nghề, tuyển sinh đào tạo, bố trí việc làm theo thỏa thuận với các doanh nghiệp trên địa bàn…
Một số lao động qua |
Xuất phát từ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đến quý I-2023, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả, sáp nhập một số trường công lập thuộc tỉnh quản lý.
Do vậy, hệ thống các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo nên tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho người có nhu cầu học nghề và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhu cầu cho các thành phần kinh tế trong xã hội. Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyển sinh, đào tạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác đào tạo, quản lý.
Đại tá, T.S Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 1, cho biết: Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy các cấp về đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm. Đồng thời, Nhà trường tập trung đổi mới công tác tư vấn, giải quyết việc làm; mở rộng quan hệ với các công ty, xí nghiệp, từng bước nghiên cứu tổ chức bộ phận kết nối doanh nghiệp để phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đúng với nhu cầu của người dân, các ngành nghề phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, hàng năm, 9 huyện, thành đều tổ chức khảo sát để dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn; cung cấp thông tin kịp thời về số lượng, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn đến các tầng lớp nhân dân.
Từ đó, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động.
Đơn cử như tại huyện vùng cao Võ Nhai, cơ sở GDNN thường xuyên đổi mới chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo để trang bị kiến thức mới cho người dân tham gia học nghề, phù hợp với đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
UBND Võ Nhai tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng lao động tại xã Tràng Xá (ảnh: Thu Viền). |
Qua khảo sát, chúng tôi thấy trung tâm GDNN của các huyện, thành khác và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều chủ động tham khảo tài liệu, giáo trình dạy nghề cho lao động để nghiên cứu, học hỏi; khai thác thêm kiến thức mới trên các tài liệu chuyên ngành.
Việc các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo và chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp về nội dung, thời gian đào tạo, thường xuyên cập nhật nội dung, chương trình mới để bám sát nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học là phát triển đúng hướng, tạo được khả năng cạnh tranh với các cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh.
Vấn đề đặt ra hiện này là một bộ phận lao động nông thôn trung tuổi trong tỉnh đã được đào tạo các ngành nghề chính, như: Trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật chế biến món ăn… nhưng do đặc thù người nông dân ngại tham gia các lớp học nghề tập trung nên hình thức đào tạo nghề cần được đa dạng hóa, lưu động tại các xã, xóm, hợp tác xã…
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh cũng nên theo mô hình kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng giúp lao động tự tổ chức sản xuất theo mô hình hộ gia đình.
Riêng với lao động nông thôn trong độ tuổi tuyển dụng của các doanh nghiệp nên đào tạo nghề theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, khu công nghiệp để đào tạo nghề theo cơ chế phối hợp, đào tạo và sử dụng sau đào tạo.
Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo đều tìm được việc làm với mức lương khởi điểm từ 5,5 - 6,0 triệu đồng/tháng; một số ngành, nghề có mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Do vậy, việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, giải “bài toàn” về cung cầu lao động của tỉnh, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới...
Xác định đây là giải pháp có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nên tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Trong đó, địa phương sẽ thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 19-CT/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW của Trung ương về công tác này. Cùng với đó là nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh khi thực hiện rà soát đối tượng cần đào tạo nghề để tuyên truyền, xây dựng chính sách hỗ trợ và đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho hoạt động đào tạo nghề ngắn, dài hạn.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN công lập thuộc tỉnh; 05 cơ sở khác có chức năng hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chỉ tính từ năm 2020 đến hết quý I-2023 các cơ sở nêu trên đã đào tạo nghề cho 115.659 lao động. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75% (hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin