Xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những “mắt xích” quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác này. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Học viên sau khi học xong lớp may công nghiệp được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp may trên địa bàn. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Chi nhánh Đại Từ gia công sản phẩm. |
Sau khi theo học lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đại Từ, chị Hà Thị Chung, ở xóm Na Bán, xã Phúc Lương, đã tìm được công việc ổn định. Chị Chung chia sẻ: Trước đây, tôi đi hái chè thuê, nuôi thêm con lợn, con gà để trang trải cuộc sống nhưng thu nhập không được là bao. Sau 3 tháng học nghề, tôi được Trung tâm kết nối, giới thiệu vào làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT chi nhánh Đại Từ, với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống của tôi đã khá hơn trước.
Ông Ngô Mạnh Thơ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đại Từ đánh giá: Hiện nay, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn là rất lớn. Do đó, căn cứ tình hình tại địa phương, hằng năm, chúng tôi lựa chọn các nghề đào tạo phù hợp với thực tiễn và phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát để lên phương án tuyển sinh.
Cùng với đào tạo tập trung, Trung tâm còn tổ chức lớp dạy nghề lưu động tại các xã, xóm, linh động về thời gian để người dân có thể sắp xếp, tham gia. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối, giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo…
Trung bình mỗi năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở 13 lớp học nghề dành cho lao động nông thôn, với trên 400 học viên tham gia. Các nghề đào tạo chính gồm: may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi… Sau đào tạo, 100% học viên lớp may công nghiệp đều được trung tâm kết nối, giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, thu nhập trung bình từ 5,5-6,5 triệu đồng/người/tháng.
Với những học viên học nghề sửa chữa máy nông nghiệp, thời gian dành cho thực hành được tăng lên để học viên nâng cao tay nghề, có thể áp dụng ngày vào thực tiễn và mở cửa hàng sửa chữa máy tại địa phương. Số lao động học nghề khác cũng được hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ.
Theo thống kê, toàn huyện Đại Từ hiện có trên 181.000 người trong độ tuổi lao động. Trung bình mỗi năm, địa phương phối hợp đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động nông thôn, trong đó, lao động có văn bằng, chứng chỉ chiếm 34% (tăng 121% so với năm 2020). Số người sau khi được đào tạo, phát huy hiệu quả của nghề được đào tạo chiếm khoảng 75%. Số lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp là 500 người. Nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã có việc làm và thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn trước.
Từ thực tế có thể thấy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chính là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2023 xuống còn 1.891 hộ, tương đương 3,74% (giảm 1,97% so với năm 2022), hộ cận nghèo còn 1.827 hộ (giảm 1,44% so với năm 2022)…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin