Đào tạo nghề cho lao động nghèo

Cao Nguyên 08:25, 27/08/2024

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một giải pháp quan trọng được tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua đó tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo (viết tắt là NLĐ nghèo) thay đổi tư duy “trông chờ” bằng chủ động sản xuất, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc tại Chi nhánh may Đại Từ, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc tại Chi nhánh may Đại Từ, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Chủ trương đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới cho NLĐ nghèo được các cấp, ngành của tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần làm thay đổi nhanh chóng diện mạo xã hội từ nông thôn đến thành thị, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.

Nếu như năm 2021, thu nhập bình quân đạt 95 triệu đồng/người/năm, thì năm 2022 đạt 107 triệu đồng/người/năm, đến năm 2023 đạt 113 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt là số hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh, trong đó năm 2022 giảm hơn 9.900 hộ, năm 2023 giảm hơn 7.200 hộ. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm từ 11.606 hộ xuống còn 7.917 hộ. Hiện, trên địa bàn tỉnh còn hơn 19.600 hộ nghèo, cận nghèo.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan và các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, việc làm; khảo sát nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, từ đó có kế hoạch chiêu sinh, tổ chức đào tạo nghề sát với nhu cầu xã hội.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH: Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho hơn 40.500 người, đạt 101,28% so với kế hoạch năm. Cùng năm, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 2.400 người ở các trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, chủ yếu các nghề như may công nghiệp; chế biến, bảo quản chè…

Nhằm chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho NLĐ nghèo, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng các địa phương tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, riêng cấp xã tổ chức được 30 phiên giao dịch việc làm, với gần 5.700 lượt người tham gia, trong đó gần 2.500 lượt người dân tộc thiểu số; gần 400 lượt NLĐ nghèo là dân tộc Kinh.

Các hoạt động truyền thông về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; việc làm được tuyên truyền rộng rãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó lan tỏa sâu rộng giá trị công tác đào tạo nghề và việc làm trong đời sống kinh tế - xã hội, tạo cho NLĐ nghèo có thêm nghề mới, hoặc làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn.

Trong năm 2023, Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có 51 dự án phát triển sản xuất được triển khai, với tổng kinh phí thực hiện 37,2 tỷ đồng, trong đó hơn 33 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ, hơn 4,1 tỷ đồng ngân sách địa phương đối ứng. Cùng với đó là Dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với kinh phí thực hiện gần 16 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 14,1 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương đối ứng…

Từ hiệu quả của các dự án, mô hình sản xuất và đào tạo nghề, NLĐ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có thêm cơ hội vươn lên trong phát triển kinh tế, hướng đến thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, cao hơn so với năm 2022 là 1%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 36%, cao hơn so với năm 2022 là 0,1%; 23.250 người lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 2.750 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều NLĐ nghèo được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vốn vay, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó đầu tư hiệu quả, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.


Từ khóa:

đào tạo nghề

lao động nghèo