Là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, bệnh dại lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Những người khi mắc bệnh dại đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Tại Thái Nguyên, trong năm 2022 đã có 1 trường hợp ở xã Bình Sơn (TP. Sông Công) tử vong do bệnh dại.
Tiêm vắc-xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Cũng trong năm qua, toàn tỉnh có trên 4.900 người phải tiêm vắc- xin, huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại do bị nghi chó dại cắn. 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.100 người phải tiêm vắc- xin, huyết thanh, tăng trên 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã khám, tư vấn tiêm phòng bệnh dại cho 737 người, tăng 414 người so với cùng kỳ năm 2022; số trường hợp bị vết cắn nặng, nguy hiểm phải tiêm huyết thanh kháng dại là 191 người…
Thực tế trên cho thấy, thời gian gần đây số trường hợp bị nghi chó dại cắn trên địa bàn tỉnh tăng khá cao. Bác sĩ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: Bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương trong cả nước với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Khoảng 2-4 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân thấy đau nhức, sưng tấy tại vết cắn. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhưng đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc đặc trị. Hiện tại, bệnh dại chưa có xét nghiệm hay phép thử dân gian nào để phát hiện bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh dại, người dân nên hạn chế nuôi chó, mèo; phải nuôi nhốt, không được thả rông, không cho trẻ nhỏ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn; không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.
Khi bị súc vật nghi mắc dại cắn, người dân phải xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc lá để bôi hay đắp lên vết thương, có thể làm cho tình trạng bệnh nặng lên hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
Ngay sau khi xử lý vết thương xong, bà con cần đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc các phòng tiêm chủng của thành phố, huyện để được tư vấn. Đối với việc tiêm vắc- xin, các trường hợp bị súc vật nghi mắc dại cắn cần tiêm đủ mũi và đúng thời gian quy định. Khi tiêm vắc- xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.
Đặc biệt, để hạn chế gia tăng số người tử vong do bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chuẩn bị tốt và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa, tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền và hợp tác liên ngành y tế - thú y.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tăng cường tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Trong đó quan tâm tới việc khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn cần khai báo kịp thời cho cơ quan y tế, đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng; tuyệt đối không giết mổ và chế biến chó ốm hoặc không rõ nguồn gốc làm thực phẩm; thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho đàn chó theo chỉ đạo của chính quyền và cơ quan thú y địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin