Giảm kỳ thị với HIV, đòn bẩy hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

Theo Tiengchuong.vn 13:47, 02/04/2024

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kết thúc dịch vào năm 2030, một trong những biện pháp quan trọng là giảm kỳ thị với người nhiễm HIV.

Hãy yêu thương và chia sẻ, đồng cảm với những người nhiễm HIV

 Nỗi lo của người nhiễm HIV vì sợ kỳ thị, phân biệt đối xử

Cho dù đã trải qua 30 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều nỗ lực, HIV vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối. Tại Việt Nam, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử cản trở những nhóm người dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV.

BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, so với 10 năm trước, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm nhưng ở đâu đó cũng vẫn còn phổ biến.

Có nhiều hình thức kỳ thị với người nhiễm HIV, nhẹ nhất là xì xầm bàn tán, tỏ sự xa lánh, xa cách hay không muốn gần gũi, không muốn tiếp xúc. Nặng nề hơn là sự phân biệt đối xử như tìm cách cho họ nghỉ việc hoặc không cung cấp dịch vụ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị với người nhiễm HIV, trong đó phải kể đến các nguyên nhân do bản chất của bệnh: HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc trị, chưa có vaccine phòng bệnh và là bệnh có thể dẫn đến tử vong. Hơn nữa, nhiều người nghĩ HIV là căn bệnh mà chỉ một số nhóm nhất định mới mắc phải. Điều này dẫn đến những đánh giá tiêu cực và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Do thiếu hiểu biết, việc thiếu thông tin về HIV/AIDS dẫn tới thiếu hiểu biết hay hiểu không đúng về căn bệnh này. Chẳng hạn cho rằng HIV lây truyền qua những tiếp xúc thông thường hay chỉ gặp ở những nhóm đối tượng xấu xa của xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm … khiến người dân lo sợ bị nhiễm HIV và có thái độ kỳ thị với người nhiễm HIV.

Ngược dòng thời gian về trước, theo Trung Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, những năm học 2009 - 2010 tại một trường Tiểu học trên địa bàn TPHCM, 15 em nhỏ nhiễm HIV khi được đưa đến trường nhập học đã bị phụ huynh học sinh chặn không cho vào trường. Họ còn kéo lên UBND huyện yêu cầu không cho các em nhiễm HIV được học tại trường.

Anh L.V.A, một trường hợp nhiễm HIV từ năm 2001 cho biết: Anh nhớ rõ cảm giác lần đầu trở về nhà, người thân trong gia đình ngại không ăn cơm chung, mấy đứa cháu nhìn anh sợ hãi…

Anh L.V.A đã phải đối mặt với sự kỳ thị quá nghiệt ngã, nỗi đau thể xác và sự xa lánh của người thân, xóm làng khiến anh suy sụp. Những ngày sau đó là khoảng thời gian anh sống trong u tối, bế tắc, mất phương hướng.

Chị N.T.T, một bà mẹ đơn thân rất cố gắng tìm chỗ gửi con gái lên 3 tuổi để có thời gian đi làm kiếm tiền trang trải chi tiêu gia đình nhưng đến đâu cũng bị đáp lại bằng những cái lắc đầu, vì con gái chị không may mang trong người virus HIV.

Chị T. tâm sự, nhiều hội viên của CLB mà chị tham gia có con, dù không mắc bệnh nhưng vẫn rất khó hòa nhập cộng đồng. Có cháu không được đăng ký ăn trưa ở trường mặc dù có lớp bán trú. Có cháu đi học phải ngồi một mình ở cuối lớp...

Mặc dù những năm về trước, Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng xác định rằng, tuy nhiễm HIV, nhưng người nhiễm HIV vẫn có đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ như những công dân bình thường khác. Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống hằng ngày vẫn có người nhiễm HIV bị kỳ thị và phân biệt đối xử, có người không có công ăn việc làm và có những người trong số đó bị hắt hủi, xa lánh hoặc sống lay lắt, cùng cực.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hoặc các phẩm chất cá nhân khác.

Kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV khiến họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Ở nước ta, trong những năm gần đây, tình trạng phân biệt đối xử kỳ thị đối với người nhiễm HIV đã giảm. Tuy nhiên, chính ta cần phải giảm và hướng tới chấm dứt tình trạng này, thì mới có thể sớm kết thúc được dịch bệnh HIV. Để giảm kỳ thị và hướng tới hoàn thành mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng đã đề ra mục tiêu: 80% thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và 80% người dân 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Từng bước xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Sự kỳ thị là lý do khiến người nhiễm HIV/nhóm nguy cơ cao ngần ngại tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị, song các tổ chức cộng đồng được đánh giá có lợi thế trong việc tiếp cận nhóm này.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Kiên Giang cho biết như trên, trong bối cảnh Kiên Giang là tỉnh có số ca nhiễm HIV đứng thứ 4 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 cả nước. Mỗi năm, Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm.

Nơi này có gần 7.000 người nhiễm và hơn 1.700 người đã tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Hiện, hơn 3.200 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus. Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được 84,6%.

Trong số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2023, các trường hợp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16-25 tuổi.

Việc tiếp cận nhóm MSM rất khó do đây là quần thể ẩn. Vì vậy, các nhân viên tiếp cận cộng đồng là cánh tay nối dài của cán bộ y tế trong việc tiếp cận nhóm này để chia sẻ kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ dự phòng chống HIV/AIDS.

Năm 2023, tỉnh Kiên Giang thí điểm ký hợp đồng xã hội một tổ chức xã hội, nhằm phối hợp và tận dụng những lợi thế của đơn vị này trong cung cấp dịch vụ phòng chống HIV khi nguồn hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam bị cắt giảm.

Kết quả, tổ chức này đã tiếp cận, xét nghiệm được hơn 400 người, 25 khách hàng có phản ứng với HIV được chuyển đi xét nghiệm HIV khẳng định và chuyển 100% người nhiễm HIV vào điều trị. Ngoài ra, nhóm cũng cùng giới thiệu những khách hàng chưa nhiễm HIV nhưng có nhu cầu vào điều trị dự phòng PrEP và hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP cũng như ARV.

Đến nay, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã hợp tác với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội, cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cho khoảng 4.000 khách hàng, ở 9 tỉnh thành. Các tỉnh gồm: Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên.

Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, nhìn nhận khi nguồn tài trợ cho chương trình HIV giảm, hợp đồng xã hội là hình thức ký hợp đồng trực tiếp với các tổ chức xã hội để cung cấp dịch vụ HIV. Đây là một chiến lược quan trọng nhằm bảo đảm tài chính bền vững cho chương trình HIV tại Việt Nam.

Theo Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trong một đánh giá mới đây, hình thức ký kết hợp đồng xã hội đang được thực hiện ở 18 trong số 59 quốc gia được đánh giá. Ngoài ra, hợp đồng xã hội cũng đang bắt đầu được giới thiệu và bắt đầu triển khai ở 16 quốc gia khác. Ở châu Á, một số quốc gia như Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Campuchia, đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV từ nguồn lực trong nước.

Hiện nay, người sống chung với HIV hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc như những người không có HIV khác trong xã hội nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV).

Bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe bản thân, người có HIV có thể chủ động dự phòng lây truyền HIV cho người khác khi tình trạng nhiễm HIV của họ được kiểm soát dưới ngưỡng phát hiện (K=K hay Không lây phát hiện = Không lây truyền, ý chỉ việc người sống chung với HIV khi tuân thủ điều trị ARV có thể giảm tải lượng virus xuống dưới mức 200 bản sao/ml máu thì không còn khả năng lây truyền cho người khác). Vì vậy, tất cả chúng ta hãy chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, cùng mở lòng, chia sẻ, đồng cảm với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất để kỳ thị và phân biệt đối xử chỉ còn là quá khứ.