Trong gần 1,3 triệu dân, trẻ em dưới 15 tuổi của Thái Nguyên chiếm hơn 24%. Để phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, thời gian qua, Thái Nguyên không chỉ làm tốt công tác truyền thông cho những gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng mà còn có những hoạt động dự phòng ngay từ khi trẻ còn nằm trong bào thai…
Trường Mầm non 19-5 Tân Lập (TP. Thái Nguyên) luôn chủ động khám sức khỏe định kỳ cho trẻ để phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ hoặc bị suy dinh dưỡng. |
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Suy dinh dưỡng là tình trạng bao gồm thừa dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng. Những người thiếu dinh dưỡng có thể bị sụt cân, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Mặt khác, thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến thừa cân, béo phì và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Cả hai loại đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Trên thực tế, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giảm chiều cao ở tuổi trưởng thành và suy giảm các chức năng khác sau này; là dấu hiệu chính đánh dấu quá trình phát triển đầu đời dẫn đến tăng trưởng kém và các hậu quả khác.
Trong khi đó, tình trạng thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Đó là thoái hóa khớp, đau thắt lưng do trọng lượng cơ thể tăng, tạo ra sức nặng đè lên các khớp lớn. Ngoài ra, béo phì, thừa cân còn có thể dẫn đến tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút; các bệnh về tim mạch, hô hấp và dễ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành.
Bởi vậy, để phòng, chống suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc và sức khỏe cho trẻ, thời gian qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân. Bác sĩ Toàn cho biết thêm: Thiếu dinh dưỡng thường xảy ra tại miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương… và thừa dinh dưỡng thường xuất hiện ở vùng đô thị. Do đó, công tác truyền thông cũng được triển khai phù hợp với từng địa bàn.
Đối với các huyện miền núi, vùng cao, cán bộ của trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn bản thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình có trẻ bị thiếu dinh dưỡng cách ăn bổ sung hợp lý.
Các buổi truyền thông dinh dưỡng tại hộ dân được thực hiện thường xuyên, kết hợp với các chiến dịch cân đo, khám sàng lọc tổ chức tại trạm y tế đã giúp phát hiện những trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Qua đó kịp thời có biện pháp tư vấn, giáo dục dinh dưỡng cho các bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ.
Chị Nguyễn Thị Hà, xóm Bản Trương, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), cho hay: Gia đình tôi có trẻ nhỏ bị thiếu dinh dưỡng, nhẹ cân. Từ khi được cán bộ y tế xã hướng dẫn cách chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ, tôi đã cho cháu ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sự phát triển của trẻ. Gia đình tôi rất vui khi chỉ sau một thời gian ngắn, cháu đã có da có thịt, sức khỏe được cải thiện.
Đối với địa bàn thành thị - nơi có nhiều trẻ béo phì, thừa cân do chế độ ăn thừa dinh dưỡng, lực lượng y tế cơ sở cũng đến tận hộ dân để tuyên truyền về những tác hại của việc thừa dinh dưỡng; tư vấn cho các gia đình xây dựng chế độ ăn phù hợp để ngăn chặn tình trạnh tăng cân mất kiểm soát ở trẻ, khuyến khích trẻ vận động, luyện tập thể thao…
Chị Nguyễn Thanh Thúy, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Do thiếu hiểu biết, tôi đã cho con ăn quá nhiều nên cháu bị béo phì, thừa cân từ khi mới 3 tuổi. Hơn 10 năm qua, tôi phải rất nỗ lực để giảm cân cho con và đã thành công. Kết quả này có được là nhờ sự tư vấn, hỗ trợ không nhỏ của lực lượng y tế.
Cùng với việc tư vấn, hỗ trợ các gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng, lực lượng y tế các tuyến còn tuyên truyền để các bà mẹ mang thai ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt…) nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng từ trong bào thai.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, nói: Những nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ đã được thể hiện rất rõ khi năm 2022 tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi là 9,1%, giảm 0,3% so với năm trước; thể chiều cao/tuổi là 12,7%, giảm 0,3%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì là 0,4%; tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2500g là 0,9%, giảm 0,6%...
Nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tích cực tăng cường năng lực về chuyên môn cho lực lượng y tế cơ sở về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em. Cùng với đó là nâng cao chuyên môn cho các cán bộ liên ngành tham gia công tác dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; vận động sự tham gia của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và PTNT, các hội đoàn thể…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin