Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ giữa tháng 5 trở đi, thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển nắng nóng. Nền nhiệt tăng nhanh chóng, có những ngày lên đến 37, 38 độ C. Hình thái thời tiết này rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.
Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khám bệnh cho trẻ nhỏ. |
Theo bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, mùa nắng nóng, trẻ em thường mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm đường hô hấp do ở trong phòng điều hòa thời gian dài hoặc phụ huynh để con ngủ ở nơi lộng gió, có quạt thốc thẳng vào mặt, dùng quạt hơi nước... Người cao tuổi rất dễ xảy ra đột quỵ do sốc nhiệt.
Trên thực tế, cần phải bảo vệ sức khỏe để không bị “ngã” bệnh khi thời tiết nắng nóng kéo dài là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Dù vậy, vẫn không ít người đã phải “trả giá” khi chủ quan với thời tiết.
Đơn của như trường hợp của chị Nguyễn Diệu Linh, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên). Mùa Hè năm ngoái, do chủ quan, chị để cho con trai 10 tháng tuổi ở phòng điều hòa liên tục trong nhiều ngày nên cháu bé bị viêm phổi nặng, phải đi điều trị hơn 10 ngày trong bệnh viện.
Chị Linh cho hay: Khi con có triệu chứng nôn, ho nhiều, tôi nghĩ là cháu bị viêm họng nên đã cho uống thuốc theo đơn của bác sĩ đã kê ở lần mắc bệnh trước đó. Tuy nhiên, tình trạng của cháu ngày càng nặng, ho nhiều, khó thở nên 3 ngày sau tôi cho con đi bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh viêm phổi. Vì vậy, con phải ở lại bệnh viện điều trị nội trú. Sau lần ốm ấy, con sút cân, thể trạng yếu đi rất nhiều. Đây chính là bài học để tôi phải chú tâm chăm sóc sức khỏe cho con nhiều hơn trong những ngày nắng nóng kéo dài.
Hay như ông Hoàng Đình Thông, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cũng do chủ quan, đã bị nhồi máu não ngay trong những ngày nắng nóng đầu tiên của năm nay. Rất may được người thân phát hiện và đưa vào viện kịp thời, ông được tiêm thuốc tiêu sợi huyết nên không để lại biến chứng. Ông nói: Chỉ một chút bất cẩn là ra vào phòng điều hòa có nền nhiệt thấp liên tục trong những ngày nắng nóng, tôi đã bị nhồi máu não. Giờ tôi đã biết mình cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe bản thân trong những ngày Hè nóng nực.
Theo các chuyên gia y tế, chúng ta cần chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, để có một sức khỏe tốt trong mùa Hè, việc ăn uống, ngủ nghỉ khoa học là rất cần thiết. Cả trẻ em và người già cần uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả, bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho hay: Do nắng nóng, các gia đình thường bật điều hòa thường xuyên. Tuy nhiên, để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh không nên để điều hòa ở mức nhiệt quá thấp mà nên chỉnh vừa phải, chỉ nên để chênh 5 độ C so với ngoài trời. Người cao tuổi cần tắt điều hòa 15 phút trước khi ra ngoài để cơ thể kịp thích ứng với thời tiết nắng nóng ngoài trời. Khi đi ra ngoài cần đội mũ, nón rộng vành, đeo khẩu trang. Đặc biệt, các hoạt động thể thao ngoài trời trong những ngày nắng nóng cũng cần được người cao tuổi điều chỉnh hợp lý để tránh những “cú sốc” về nhiệt độ.
Do tâm lý ngại đi viện nên vẫn còn tình trạng các phụ huynh tự điều trị cho trẻ khi có các dấu hiện của bệnh viêm đường hô hấp (sốt cao, ho…). Một số người cao tuổi cũng chung tâm lý này khi có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và thường cho rằng mình bị cảm lạnh chứ không nghĩ đến nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ…
Bởi vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị hiệu quả. Nhất là người cao tuổi, nên đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để được phát hiện, điều trị đột quỵ kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin