Giám sát chất lượng thực phẩm: Nâng cao nhận thức người sản xuất và tiêu dùng

Lương Hạnh 11:51, 10/05/2023

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hỗ trợ hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP tại một siêu thị trên địa bàn TP. Sông Công.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP tại một siêu thị trên địa bàn TP. Sông Công.

Là địa bàn có nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học, có các bếp ăn tập thể, chính vì vậy, công tác đảm bảo ATTP luôn được TP. Sông Công chú trọng triển khai. Cụ thể, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; cũng xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm giám sát việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Kết quả, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiến hành kiểm tra hơn 240 cơ sở, xử lý 12 cơ sở vi phạm, xử phạt 11,4 triệu đồng với các lỗi vi phạm như: Kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, thực phẩm bị mốc, không niêm yết giá, không bảo quản riêng thực phẩm sống và chín, buôn bán hàng hoá nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt…

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công, cho biết: Cùng với tăng cường thanh, kiểm tra, chúng tôi cũng lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn người dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Còn tại huyện Đại Từ, với hơn 9 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thời gian qua, huyện đã tập trung giám sát về ATTP; tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định bảo đảm ATTP.

Trong năm 2022, huyện đã kiểm tra 578 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ sở với số tiền hơn 64,4 triệu đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá 46,8 triệu đồng…   

Không chỉ TP. Sông Công và huyện Đại Từ, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 được triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5 trên địa bàn toàn tỉnh với chủ đề: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện và chủ trì thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại một số địa phương.

Ngành chức năng giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại Trường Mầm non Hóa Trung (Đồng Hỷ).
Ngành chức năng giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại Trường Mầm non Hóa Trung (Đồng Hỷ).

Ngoài ra, Sở cũng giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành lập ít nhất 1 đoàn kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý.

Theo ông Dương sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Mục đích của Tháng hành động vì ATTP năm nay là đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về ATTP. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP nhằm cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn.

Cùng với tăng cường thanh, kiểm tra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cũng được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT) tập trung triển khai.

Cụ thể, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, pháp luật và quy định mới của Trung ương, địa phương về ATTP; tuyên truyền về tác hại của thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Cùng với đó, đơn vị còn hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chuỗi thực phẩm an toàn; cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 61 cơ sở với 62 chuỗi, gồm: 49 chuỗi chè; 6 chuỗi rau; 3 chuỗi thịt lợn; 3 chuỗi thịt gà và 1 chuỗi giò chả.

Việc kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã góp phần xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với nông sản, giúp người sản xuất có thị trường tiêu thụ ổn định.

Lũy kế, Chi cục đã chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương còn hiệu lực cho 3.850ha rau, quả, chè, lúa với sản lượng 172.300 tấn/năm; 104 trang trại chăn nuôi lợn, gà với sản lượng 74.500 tấn thịt và 3 triệu quả trứng gà/năm.

Với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc tập thể, không có nạn nhân tử vong do ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo ATTP, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ sử dụng những thực phẩm còn tươi và có nguồn gốc rõ ràng.