Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, những năm qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường… Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt gần 96% (với 198.000 hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong phạm vi điều tra); xấp xỉ 89% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh…
Nhà máy nước sạch Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn), luôn đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định. |
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân kém là nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: Tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên, hiện nay Thái Nguyên cơ bản không còn tình trạng thiếu nước sạch. Người dân cũng rất tích cực vệ sinh môi trường, nhất là tại khu vực sinh sống.
Thực tế này cho thấy, ý thức của người dân về thực hiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân đã được nâng lên đáng kể; số người được tiếp cận với nguồn nước sạch ngày càng tăng lên khi có nhiều công trình cấp nước được đầu xây dựng, hoặc người dân đã có điều kiện khoan giếng lấy nước.
Đáng nói, ở các bản vùng cao, miền núi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống như Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ); Tân Lập, Phú Xuyên (Đại Từ)… nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nên nguồn nước sạch hợp vệ sinh đã được đưa về tận hộ dân.
Ông Phạm Hiếu Bường, xã Phú Xuyên, cho hay: Được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, người dân chúng tôi không còn lo mắc các bệnh như tiêu chảy, tay chân miệng, đau mắt đỏ…
Đặc biệt, việc thường xuyên lấy mẫu nước ngẫu nhiên để kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy chất lượng nước đảm bảo an toàn. Trên địa bàn không xảy ra các loại dịch bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm…
Theo nhận định của ngành Y tế, đạt được kết quả này, bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, của tỉnh cho các công trình cấp nước sạch còn có sự nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền.
Theo đó, các hoạt động tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú thông qua việc lồng ghép với một số hội nghị được tổ chức ở các địa phương; qua cụm loa truyền thanh cấp huyện, xã, xóm; cấp phát tờ rơi…
Đặc biệt, hầu hết các ngành, địa phương trong tỉnh đều ra quân làm vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, cư trú, khu vực công cộng, trường học, bệnh viện, trạm y tế… để thu gom rác thải, nạo vét, khai thông cống rãnh, nơi nước ứ đọng xung quanh nhà, diệt lăng quăng; trang bị một số thùng rác tại nơi công cộng...
Nhờ đó, người dân không chỉ nắm được các quy định của Nhà nước về nước sạch, vệ sinh môi trường mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nguồn nước và có lối sống, sinh hoạt hợp vệ sinh.
Nước sạch và vệ sinh môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các dịch bệnh nguy hiểm. Bởi vậy, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sạch, giữ vệ sinh môi trường sống là việc làm thiết thực.
Do đó, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác này, trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, phóng uế bừa bãi; không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn…
Cùng với đó là giảm lãng phí khi sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày; kiểm tra, bảo trì, cải tạo đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây. Đồng thời làm tốt công tác xử lý rác thải; vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin