Là xã miền núi, nằm phía Bắc của huyện Đại Từ, lâu nay, Minh Tiến được biết đến là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn. Không chỉ bởi trình độ dân trí không đồng đều, hạn chế về nguồn thu nhập, cơ sở hạ tầng…, ở nhiều khu vực, khó khăn của người dân còn xuất phát từ nguồn điện không đảm bảo.
Có nhà ở cách trạm biến áp gần 1,5km, từ năm 2007 đến nay, gia đình chị Trần Thị Lâm, xóm Lưu Quang 4, đã 2 lần tự kéo điện về nhà để sử dụng. Do điều kiện khó khăn, mỗi năm, chị Lâm lại dồn tiền để mua cột chống bằng bê tông thay cho các cột tre, gỗ đã mục. Dây điện cũng thường xuyên bị đứt, võng xuống khi trời có mưa to, gió lớn.
Chị Lâm bộc bạch: Kinh tế gia đình tôi phụ thuộc chủ yếu vào nghề làm chè, nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao do nhà tôi chủ yếu bán chè búp tươi cho các thương lái, giá cũng bấp bênh. Trong khi đó, nếu qua chế biến, chè búp khô bán được giá gấp 2-3 lần. Biết vậy, nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao do điện quá yếu, không đủ để vận hành các loại máy chế biến chè. Bình thường, một chiếc tôn quay, máy vò có thể làm được 2kg chè khô mỗi mẻ nhưng với tình trạng điện như hiện tại, chúng tôi chỉ có thể làm được một nửa số đó. Thời gian chế biến chè cũng lâu hơn rất nhiều so với các hộ ở nơi có điện khỏe nên chất lượng sản phẩm chè không đảm bảo. Thêm nữa, nhà tôi còn phải canh giữa buổi sáng, hoặc đêm muộn - khi các gia đình ít sử dụng điện thì mới có thể chạy máy.
Trao đổi thêm về tình trạng điện yếu, anh Ma Văn Đoàn, Trưởng xóm Lưu Quang 4, cho hay: Khoảng cách kéo dây quá dài, trong khi cứ khoảng 200m lại có một mối nối. Khi mưa lớn, các mối nối rất dễ bị đứt, làm gián đoạn việc sử dụng điện của bà con. Nhiều gia đình trong xóm còn không thể sử dụng những thiết bị đơn giản như nồi cơm điện và phải hạn chế tối đa việc mua sắm, sử dụng các thiết bị điện. Những ngày này, trời oi nóng nhưng cánh quạt cũng không quay được hết công suất, nhà nào muốn sao chè bằng tôn điện thì phải tắt hết tivi, tủ lạnh… Chúng tôi đã ý kiến về tình trạng này nhiều lần lên xã qua các cuộc tiếp xúc cử tri, songđến nay, nhiều hộ dân trong xóm vẫn sống trong cảnh thiếu điện hoặc có cũng như không.
Bên cạnh Lưu Quang 4, người dân ở các xóm: Lưu Quang 2, Tân Hợp 2, Trung Tâm… cũng ở trong tình cảnh tương tự. Theo phản ánh của nhiều người dân xã Minh Tiến, điện yếu nhất các khung giờ cao điểm. Cụ thể là từ 10-12 giờ, 18-20 giờ mỗi ngày. Ông Dương Văn Tuyên, Trưởng xóm Lưu Quang 2, cho biết: Xóm có khoảng 40 hộ thường xuyên sống trong cảnh điện yếu. Trong đó, hộ có đường dây tự kéo xa nhất là khoảng 2km. Phần lớn các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn lại thêm thiếu điện, nên việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vài năm trước, một vài hộ trong xóm có đầu tư mua các loại máy móc để xẻ gỗ, làm đồ mộc song đều phải bán đi vì không thể sử dụng do điện yếu.
Trước ý kiến phản ánh của người dân, vừa qua, UBND xã Minh Tiến đã khảo sát, kiểm tra hiện trạng lưới điện cũng như nhu cầu sử dụng điện tại các xóm. Theo thống kê, toàn xã có 34 tuyến đường điện nhân dân phải tự dựng cột và kéo dây về sử dụng với tổng chiều dài trên 15km. Điều đáng nói là phần lớn đường dây hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cột tre, gỗ đã mục nát. Ở nhiều vị trí nằm ngay sát đường giao thông hay khu vực sản xuất của người dân, dây điện trùng, võng xuống sát mặt đất, một số đường dây thường xuyên đứt, rơi xuống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo ông Vũ Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tiến: Xã có 10 xóm nhưng chỉ có 6 trạm biến áp, nhiều xóm phải sử dụng chung 1 trạm biến áp, trong khi địa hình đồi núi, khoảng cách dân cư khá xa, dẫn đến tình trạng thiếu điện diễn ra triền miên. Điện yếu khiến cho đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con gặp không ít khó khăn. Chè, gỗ trồng ra bán thẳng cho thương lái, không qua chế biến nên giá trị không cao. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Điện tiếp tục đầu tư thêm các trạm biến áp và có giải pháp cấp điện ổn định đến từng hộ dân ở Minh Tiến.