Bốc thăm kiểm tra kê khai tài sản

Nguyễn San 08:43, 26/02/2023

Việc triển khai bốc thăm lựa chọn đối tượng trong bộ máy Nhà nước để kiểm tra xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 trong cả nước đã thu được kết quả bước đầu. Đây là một trong những hình thức kiểm soát tài sản, thu nhập góp phần ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến cử tri, việc bốc thăm chưa phải là giải pháp tận gốc mà cần có các biện pháp quản lý khoa học, quyết liệt hơn.

 

Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ, năm 2022, qua bốc thăm, lựa chọn kiểm tra 7.662 người trong diện kê khai tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng đã phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định. Các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành kiểm tra gần 5.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập, qua đó phát hiện không ít trường hợp vi phạm quy định.

Với Thái Nguyên, mới đây huyện Định Hóa đã tiến hành bốc thăm, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; bốc thăm 73 đơn vị để lựa chọn 15 đơn vị tiến hành xác minh. Nhóm đối tượng được bốc thăm kiểm tra là các thành phần chủ yếu trong hệ thống chính trị. Trong số các đơn vị được chọn, huyện bốc thăm mỗi đơn vị 1 người trong diện kê khai để xác minh.

Theo yêu cầu, việc bốc thăm, lựa chọn kiểm tra việc kê khai tài sản là nhằm làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Qua đây vừa để phòng, chống tham nhũng, vừa để đánh giá chính xác việc chấp hành các quy định trong kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập…

Tuy vậy, kết quả hiện nay chưa đạt được như mong muốn. Vì thế, cử tri một số nơi không khỏi băn khoăn, kiến nghị cần xem xét thấu đáo tính hiệu quả của việc bốc thăm, từ đó có thể nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập.

Trước vấn đề đặt ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý kê khai tài sản theo đề nghị của cử tri là cần thiết, nhưng phải được nghiên cứu thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, trước mắt, một mặt các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, mặt khác vẫn triển khai hoạt động bốc thăm, lựa chọn để kiểm tra. Phải tuân thủ nghiêm quy tắc lựa chọn xác minh ngẫu nhiên, bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm được xác minh, trong đó có ít nhất 1 đối tượng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.

Các kiến nghị có liên quan của cử tri sẽ được tổng hợp, xem xét để làm cơ sở nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.