Bác Hồ với tấm lòng yêu thương thiếu nhi

14:44, 31/05/2007

Chúng ta đều biết rằng: Sinh thời Bác Hồ rất yêu thương trẻ em. Bác từng nói: Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi. Dù luôn bận bịu với những công việc quốc gia đại sự, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian để yêu thương và chăm sóc cho các thế hệ mặng non của đất nước, bởi theo Bác, chính thế hệ măng non sẽ là những chủ nhân của đất nước sau này, như Bác từng nói: “Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”...

Ngay từ những ngày tháng hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa gian khổ nhất, Bác Hồ cũng đã có nhiều bài thơ viết về lòng yêu thương trẻ em Việt Nam. Vô cùng thương xót trước những hoàn cảnh đói rét, khổ cực của trẻ em nước nhà, trong bối cảnh nước mất nhà tan, phải chịu sự áp bức, bóc lột của bè lũ đế quốc, thực dân, Bác từng ao ước:

Bao giờ đánh đuổi Nhật Tây
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.


Và rồi cái ngày mong đợi đó cũng đã đến. Cách mạng mùa thu tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ sự áp bức, bóc lột của bè lũ phong kiến, thực dân. Đất nước ta đã được độc lập. Mùa thu năm đó, trong bức thư gửi trẻ em Việt Nam nhân ngày tết trung thu độc lập đầu tiên của đất nước. Bác chúc trẻ em cả nước ăn một cái tết trung thu độc lập đầu tiên thật vui vẻ, phấn khởi. Phần tiếp theo của bức thư thật cảm động, khi Bác nói nên nỗi lòng của mình đối với thiếu nhi, bằng lời lẽ rất giản dị “Các em vui cười hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Vậy đố các em biết vì sao? bởi vì Già Hồ rất yêu mến các em”.

Trong báo “Cứu quốc” số 49 (ngày 22-9-1945) Bác gửi gắm muôn vàn tình yêu thương đối với thiếu nhi trong bài viết: “trẻ em Việt Nam sung sướng. Việt Nam độc lập muôn năm”. Tiếp theo đó, ngày 1-10-1945, tờ báo “Thiếu sinh” - tờ báo đầu tiên viết về chủ đề trẻ em ra số đầu tiên theo sự chỉ đạo của Bác, Bác nhắn nhủ: “Báo trẻ em đã ra đời. Báo này là của trẻ em, vậy các em nên giúp báo phát triển, các em gửi tin tức, tranh vẽ và bài viết cho báo. Người lớn thì nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Tất cả mọi người nên làm cho tờ báo ngày càng phát triển hơn”.

Luôn cánh cánh bên lòng tình thương yêu vô cùng to lớn đối với thế hệ trẻ, Bác ân cần dặn dò từng li từng tí: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng. đối với bạn bầu phải yêu mến”. Với việc động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân độc lập, tự do, Bác viết: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.

Luôn theo sát từng bước trưởng thành, chú ý đến vai trò của thiếu nhi, Bác phát biểu trước Hội nghị Văn hoá toàn quốc tại Hà Nội ngày 24-11-1946: “Hãy chú ý đặc biệt đến thiếu nhi, thiếu niên nhi đồng Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều về văn hoá, cứ xem mỗi khi có công việc thích hợp để làm, các em đã làm rất tài tình” Bác lấy luôn ví dụ: “Như khi cần tuyên truyền về đời sống mới, cần chống nạn mù chữ, các em đã có những vở diễn ngắn, vui mà khéo biết bao”.

Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Bác thường theo dõi sát sao, viết thư khen ngợi, động viên những tấm gương người tốt việc tốt, gương chiến đấu dũng cảm của thiếu nhi trong kháng chiến. Bác viết thư khen ngợi cháu gái Nguyễn Thị Lương, xã Minh Quang, huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây, bởi vì: “Cháu đã chịu khó đi mót lúa, bán lấy tiền giúp bộ đội, thế là yêu nước” (Báo Cứu quốc số 1892, ngày 27-8-1951). Bác viết thơ khen ngợi và động viên các cháu thiếu nhi, làm liên lạc trong chiến khu II, đã có công trong chiến đấu. Trường hợp cháu Phạm Đỗ Hải, Bác viết thành một bài thơ: “Bác được tin rằng, Cháu làm liên lạc, Bị giặc bắt được, Lại trốn thoát ngay, Mang hai lính Tây, Theo về bộ đội. Thế là cháu giỏi, Biết cách tuyên truyền, Bác gửi thư khen, Khuyên cháu gắng sức”. Đối với trường hợp cháu thứ hai là Lê Văn Thức, Bác cũng viết thành một bài thơ khen ngợi tấm gương dũng cảm của Thức, với những câu thơ sau: “Cháu có can đảm, Giơ súng doạ Tây, Bắt nó hàng ngày, Lấy được súng nó...”.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang hồi ác liệt nhất, bác vẫn nhớ thương canh cánh bên lòng các cháu thiếu nhi. Mỗi khi trung thu tới, bác vẫn dành cho các cháu những lời lẽ yêu thương nhất. Tết Trung Thu năm 1951, Bác viết gửi các cháu một bài thơ với những lời lẽ thật cảm dộng: “Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng, Sau đây Bác viết mấy dòng, Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”

Tết trung thu năm 1952 tiếp theo, Bác Hồ lại viết thư gửi tới tất cả các cháu thiếu nhi trong và ngoài nước. Cuối thư Bác làm thơ, một bài thơ mà tất cả chúng ta đều không thể nào quên: “Ai yêu các nhi đồng, Bằng Bác Hồ Chí Minh, Tính các cháu ngoan ngoãn, Mặt các cháu xinh xinh. Mong các cháu cố gắng, Thi đua học và hành, Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tuỳ theo sức của mình, Các cháu hãy xứng đáng, Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Tết trung thu năm 1953, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của trẻ em, bác lại làm thơ: “Chín tết trung thu, Tám năm kháng chiến, Các cháu khôn lớn, Bác rất vui lòng, Thu này Bác gửi thư chung, Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa, Thu này hơn những thu qua, Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần”...Và Bác kết luận: “Các cháu vui thay, Bác cũng vui thay, Thu sau so với thu này vui hơn”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra cho dân tộc Việt Nam một trang sử mới. Nhưng đất nước vẫn bị chia cắt hai miền. Nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam càng cồn cào trong tấm lòng của Bác Hồ. Bác ao ước:

“Đến ngày Nam bắc một nhà
Các cháu xúm xít thì ta vui lòng.”
“Bắc Nam sẽ xum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”

(Gửi các cháu miền Nam, 1965)

Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”

Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như Bác từng mong đợi.