Trong bộ quân phục giản dị, phong thái trò chuyện thẳng thắn, cởi mở, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Tư lệnh Quân khu I, tạo cho người đối thoại cảm giác dễ mến, dễ gần. “Tôi luôn gặp may”. Trung tướng nói đơn giản như vậy về sự kiện 30-4-1975, về những trận chiến ác liệt ở chiến trường miền Nam: Khe Sanh, Nam Lào,... về hạnh phúc trọn vẹn của cuộc sống gia đình.
Tháng 8 năm 1967 tôi lên đường nhập ngũ. Khi ấy, gần như tất cả nam thanh niên quê tôi (xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đều tình nguyện vào Nam chiến đấu. Nếu không theo binh nghiệp, chắc chắc bây giờ tôi đang làm ruộng ở Kim Bảng. Chiến đấu, đơn giản vì lý tưởng và lòng căm thù chứ không phải để trở thành anh hùng. Theo tôi, thời ấy, những người con gái dám làm vợ bộ đội mới thực sự xứng đáng phong anh hùng”.
Ông nói câu ấy chắc không phải để nịnh vợ, vì dù chiến tranh qua đi đã ba chục năm, dù ông có trở về nguyên vẹn thì bà vẫn cứ đang phải vò võ chờ đợi ông, vài tuần mới về nhà một lần, như khách ghé qua chứ không phải như chủ. “Bốn đứa con tôi trưởng thành đều do một tay bà ấy vun vén”.
Ông nói về bà Nguyễn Thị Dung - vợ ông, bằng một giọng biết ơn và trìu mến. “Tôi may mắn sống sót qua chiến tranh, may mắn có người bạn đời như bà ấy, và may mắn được là nhân chứng lịch sử”. “Khoảng một năm nay, cán bộ chiến sĩ Quân khu I mới biết tôi là người đã vào bắt Dương Văn Minh, là do phóng viên các báo đến lấy tư liệu. Với tôi, tất cả như mới vừa xảy ra ngày hôm qua, cảm giác vẫn nguyên vẹn như vậy”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể: “Ngày 10-3-1975, khi quân và dân ta tiến công vào Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thì tôi cùng Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304 đang tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Đến 26-4, Trung đoàn được giao nhiệm vụ tham gia lực lượng thọc sâu tiến công vào Sài Gòn. Lúc này tôi là đại úy, phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, nhận nhiệm vụ đi đầu để chỉ huy lực lượng chiến đấu. Mục tiêu được giao là đánh chiếm dinh Độc Lập, Đài phát thanh Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.
9 giờ ngày 30-4 tôi cùng trợ lý trinh sát trung đoàn Nguyễn Văn Nhu, trợ lý chính sách Trịnh Ngọc Ước, trợ lý cán bộ Phùng Bá Đam và hai chiến sĩ thông tin Vũ Văn Thất, Nguyễn Huy Hoàng đi trên chiếc xe jeep chiến lợi phẩm do Đào Ngọc Vân lái. Đến trước cổng dinh Độc Lập, khi xe tăng của ta húc đổ cổng chính, xe tôi nhanh chóng lách lên lao thẳng đến tiền sảnh của dinh.
Ngay tại cầu thang, chuẩn tướng quân đội ngụy, phụ tá Tổng thống - Nguyễn Hữu Hạnh đón và đưa chúng tôi vào phòng khánh tiết, nơi tập trung toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn. Tại đây Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đề nghị được bàn giao. Tôi nói: “Các ông đã bị bắt, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả!”. Dương Văn Minh đề nghị được đầu hàng ngay tại dinh Độc Lập với lý do ra ngoài không đảm bảo an toàn. Tôi hứa đảm bảo an toàn rồi đưa Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng ngụy quyền) đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng”.
Vẫn trăn trở trong công việc
“Tôi luôn quan niệm một cuộc sống hạnh phúc là có tiếng cười của người lớn và tiếng khóc trẻ thơ. Mỗi khi nghĩ về đồng đội, tôi luôn tự thấy mình là người may mắn nhất. Trước mỗi trận đánh, tôi có một người phụ nữ để nghĩ đến. Sau chiến tranh, tôi trở về lành lặn, đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ trong binh ngũ. Các con tôi nay đều đã trưởng thành.
Gia đình tôi hiện sinh hoạt theo kiểu tam đại đồng đường. Dù ở riêng, tối nào các con gái, con rể, con trai, con dâu và các cháu ngoại vẫn cùng đến ăn cơm do vợ tôi nấu. Nhà riêng của tôi ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, có mảnh vườn trồng hoa, mùa nào phong lan cũng nở, có một cây khế quả trĩu cành.
Trở về nhà tôi không còn là ông tướng nữa, chỉ là ông ngoại, làm ngựa cho cháu cưỡi. Mỗi khi hai thằng nhỏ chí chóe đánh nhau khóc váng là con gái tôi lại cười, bảo: “Đấy, âm thanh hạnh phúc của ông đấy!”.
Vợ tôi là người duy nhất biết rằng dù chiến tranh đã qua đi hàng ba chục năm nay, đến giờ tôi vẫn chưa hề có một giấc ngủ bình yên. Trong giấc mơ, tôi luôn gặp lại những đồng đội đã hy sinh, những trận đánh ác liệt nhất từng tham gia, và càng thấy quý cuộc sống thời hiện tại. Thời chiến, đòi hỏi người lính lòng dũng cảm. Thời bình, đòi hỏi về tri thức được đặt lên trước, nhất là khi quân đội ta ngày càng chính quy hiện đại. Bên cạnh việc chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ, tôi luôn đòi hỏi họ phải trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật đồng thời với kiến thức về quân sự, chính trị, và quan trọng nhất, phải rèn luyện cho họ bản lĩnh của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khi soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, tôi mới học hết lớp bảy, đấy là việc khó khăn nhất tôi phải làm trong đời. Cầm bản thảo tôi viết, nguyên văn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh của quân giải phóng, tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho chính quyền miền Nam Việt Nam”. Dương Văn Minh nói: “Chữ viết của cấp chỉ huy xấu, tôi không đọc được”. Tôi phải đọc cho ông ta chép lại để đọc vào máy ghi âm. Cả hai bản thảo ấy, đúng là tôi không ý thức được giá trị lịch sử của chúng nên để thất lạc mất”.
Trong câu chuyện, Trung tướng nhiều lần nhắc đến nhân vật Nguyễn Hữu Hạnh: “Số phận đã sắp đặt để chúng tôi cùng chứng kiến một sự kiện lịch sử, tôi muốn được gặp lại ông ấy, cùng những đồng đội đã sát cánh bên tôi, để cùng ôn lại thời khắc lịch sử ấy”. Trung tướng ghi lại địa chỉ để ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông Đào Ngọc Vân, ông Vũ Văn Thất, ông Nguyễn Huy Hoàng đọc được bài viết này có nhã ý liên lạc: Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Tư lệnh Quân khu I, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.