Phát biểu trong cuộc gặp giữa các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và cựu binh Mỹ tại New York, luật sư Constantine Kokkoris, đại diện bên nguyên cho rằng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thắng trong toà án công luận, dù kết quả vụ kiện này có như thế nào đi chăng nữa.
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, ông Trần Xuân Thu cho biết Ðoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ lần này để tham dự buổi tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Mỹ vào ngày 18-6, và để nói cho dư luận Mỹ hiểu về những hậu quả mà chất độc da cam đã gây ra cho các nạn nhân Việt Nam.
Ðoàn có bốn nạn nhân, đại diện các hoàn cảnh khác nhau của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Bà đã từng bị chất khai quang rải trực tiếp vào người và sau đó hoạt động một thời gian ở Biên Hòa, được coi là điểm nóng về chất độc da cam ở Việt Nam cho tới tận ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Quý là bộ đội thông tin ở đường mòn Hồ Chí Minh hồi đầu thập niên 70 của thế kỷ trước và đã sống bốn năm trong vùng bị máy bay Mỹ rải chất độc da cam. Ông Quý bị mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư dạ dày; hai con ông Quý đều bị dị tật và không thể làm được bất kỳ việc gì. Ông Võ Thanh Hải không tham gia chiến tranh, nhưng đơn vị của ông được giao nhiệm vụ trồng lại rừng ở vùng bị rải chất độc da cam trước đây ở gần thành phố Huế. Ông đã mắc bệnh Hóp-kin, một trong những căn bệnh được xác định là có liên quan tới chất độc da cam. Con ông Hải bị ung thư xương và đã mất. Anh Nguyễn Mười sinh ra sau chiến tranh, nhưng bố anh đã nhiều năm phục vụ trong chính quyền Sài Gòn trước đây và đã bị nhiễm chất độc da cam khi làm việc ở vùng A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Bản thân ông đã bị nhiều căn bệnh hiểm nghèo và con ông, anh Mười, cũng bị dị tật cột sống, một trong những dị tật được Viện Nghiên cứu Y học Mỹ xác định là có liên quan tới chất độc da cam/dioxin.
Ông Trần Xuân Thu cho biết, theo đánh giá của một nhà khoa học Mỹ, khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, hiện có khoảng ba triệu người Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin từ thời chiến tranh. 50% số hộ có nạn nhân chất độc da cam là những hộ nghèo khổ nhất. 50% số hộ gia đình có hai nạn nhân trở lên và 8 phần nghìn hộ gia đình có 5 người trở lên bị dị tật và dị dạng. Những nạn nhân ấy cần công lý và cần được bồi thường. Chính vì lẽ đó, tập thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất các loại hóa chất độc gây nguy hại lâu dài cho con người và môi trường ở Việt Nam.
Cả hội trường đã lặng đi khi nghe từng nạn nhân trong Ðoàn kể về những căn bệnh hiểm nghèo mà họ đang mang trong người, những dị tật mà con cái họ phải gánh chịu và hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn của gia đình họ.
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, ông David Cline, thành viên tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình và đồng chủ tịch tổ chức Chiến dịch vì trách nhiệm và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết, ông và ông Nguyễn Văn Quý đã từng ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng cả hai cùng là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Hai người từng là kẻ thù của nhau, nhưng nay đang ở cùng trận tuyến đấu tranh vì công lý. Ông cho biết, ông đã được tặng thưởng huân chương trong chiến tranh, nhưng nay ông tặng lại tấm huân chương ấy cho ông Quý. Ông Cline đã tháo tấm huân chương trên áo mình cài lại trên ngực áo của ông Quý trong tiếng vỗ tay ủng hộ của tất cả những người có mặt trong hội trường. Ông Cline kêu gọi nhân dân Mỹ và các cựu chiến binh Mỹ tới tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 18-6, để bày tỏ sự ủng hộ và đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Luật sư Constantine Kokkoris, đại diện bên nguyên cho rằng, những tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lẽ ra đã phải được tòa án lắng nghe. Ông khẳng định, cho dù kết quả của vụ kiện này có như thế nào chăng nữa, tập thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng đã thắng trong tòa án công luận.