Bác Hồ nói về đạo đức người làm báo

09:06, 01/07/2007

Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam được đón Bác về dự. Trong không khí thân tình, Bác nói Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào các đại biểu dự Đại hội nhà báo hôm nay. Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến sau đây:

Từ ngày hoà bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ khá. Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo. Hiện nay đã có hơn 150 tờ báo các loại. Như vậy là tăng lượng của báo chí nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Hiện nay ở miền Bắc, nhiệm vụ của chúng ta là phát triển kinh tế và văn hoá, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống bọn Mỹ xâm lược và bọn Ngô Đình Diệm bán nước, đấu tranh giành cơm no, tự do và hoà bình thống nhất.

Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì theo nội dung đó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ, đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng, phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “từ bệnh cứu người” tránh phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm.

Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo, nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, nếu phê bình sai thì đăng báo giải thích, quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình.

Dừng ít phút rồi Bác nói: Có một vài cán bộ và cơ quan vì sợ phê bình mà chẳng không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt đi với họ, thậm chí đi kêu họ trước toà án, những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo, đài cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo, đài để tiến bộ.

Với giọng nói rất vui và thân mật, Bác nói: Nếu các cô các chú đồng ý thì Bác xung phong phê bình các báo mấy điều như sau:

- Bài báo thường quá dài “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức điều khó khăn và khuyết điểm của ta.

- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.

- Thiếu câu đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì lại đăng trước, nên để trước lại đăng sau.

- Lộ bí mật

- Có khi quá lố bịch

- Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi không đúng. Không gọi là “xe lửa” lại gọi là “hoả xa”, “máy bay” thì gọi là “phi cơ”, “đường lớn” thì gọi là “đại lộ”, “giúp nhau” thì gọi là “hỗ trợ”... Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó.

Trước khi dừng lời, Bác ân cần, tươi cười căn dặn Đại hội: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng học tập nghề nghiệp báo chí, văn học, chính trị, luôn luôn nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sát quần chúng lao động, phản ánh kịp thời những sự việc hay có ích cho xã hội cho Đảng...