Trong hai ngày 2 và 3-7, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6-2007 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm.
Các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm chỉ đạo, điều hành sáu tháng đầu năm và chương trình công tác sáu tháng cuối năm của Chính phủ; Tình hình thưc hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 và các giải pháp thực hiện sáu tháng cuối năm; Tình hình thị trường trong nước và xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2007; Tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm và việc giải quyết những vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp theo Quyết định 22/2006/QÐ-TTg; Tình hình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng sáu tháng đầu năm 2007; Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 và giá cho thuê đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại; Dự án Luật về Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2007 tiếp tục phát triển thuận lợi. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 7,87%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây (năm 2003 tăng 6,9%; năm 2004: 7,03%; năm 2005: 7,6%; năm 2006: 7,36%). Ðáng chú ý là tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước (quý I đạt 7,75%; quý II đạt 8,02%), tạo đà cho các quý còn lại để đạt mức tăng trưởng đề ra cho cả năm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 4,1 tỷ USD, tính chung sáu tháng ước đạt 22,455 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2006. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của sáu tháng đầu năm đạt hơn 3,742 tỷ USD/tháng (cùng kỳ năm trước là 3,12 tỷ USD/tháng).
Ðến hết tháng 6-2007, đã có sáu mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, trong đó có hai mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 5,05 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước; tính chung sáu tháng ước đạt 27,232 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2006. Nhập siêu sáu tháng đầu năm là 4,777 tỷ USD, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 6, vốn FDI của dự án cấp mới và đăng ký tăng thêm đạt 849 triệu USD. Tính chung cả sáu tháng đầu năm 2007, số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 5,218 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội bằng 43,2% kế hoạch năm và bằng 39,5% GDP.
Tổng thu ngân sách nhà nước sáu tháng ước đạt 46,1% dự toán năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2006 và bằng 26,3% GDP. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 45,8% dự toán năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một số hoạt động trong các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ như: giáo dục - đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đầu tiên thực hiện cuộc vận động "hai không"; số người được giải quyết việc làm đạt 780 nghìn, bằng 50% kế hoạch năm; công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác dân số, gia đình và trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi...
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tích đạt được trong sáu tháng đầu năm đã mở ra khả năng hiện thực đạt mức tăng trưởng 8,5% của cả năm. Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn khó khăn, yếu kém cần phải khắc phục, tháo gỡ. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong sáu tháng cuối năm như sau: Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy sản xuất phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu, chủ động rà soát và đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng mạnh xuất khẩu; trong các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải rất mềm dẻo, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, không can thiệp hành chính một cách máy móc, coi trọng và bảo đảm quan hệ cung - cầu, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá của những vật tư, hàng hóa quan trọng, không để xảy ra mất cân đối và đầu cơ tăng giá; các bộ, ngành phải đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư hợp lý, tăng tốc độ giải ngân, rà soát tháo gỡ các thủ tục vướng mắc, khơi thông các nguồn đầu tư ngoài xã hội, đặc biệt là trong các thủ tục giao, cấp đất được xem là một trong những vướng mắc lớn nhất...
Trước những yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống, Thủ tướng chỉ đạo phải nghiên cứu để sớm có một tổ chức kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không để tình trạng phân tán ở nhiều cơ quan như hiện nay; rà soát lại các đề án, dự án, chương trình xóa đói, giảm nghèo để xây dựng một chính sách thống nhất cho người nghèo, tránh sự chia sẻ và phân tán lâu nay.
Chuẩn bị cho tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát để quy định lại chức năng, nhiệm vụ phù hợp, theo hướng gắn cải cách hành chính với phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ có thái độ kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Với những vụ việc đã phát hiện phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng chuyển từ cực này sang cực khác.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, thường xuyên giao ban với các cơ quan có liên quan để thúc đẩy tiến độ xử lý dứt điểm các vụ án trọng điểm, nổi cộm.
Về công tác chỉ đạo, điều hành sáu tháng đầu năm của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự thống nhất tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội..., đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo đà thuận lợi cho hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, trên một số mặt, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ vẫn còn chưa đạt kết quả mong muốn. Trong sáu tháng cuối năm cần phải tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn trong một số lĩnh vực như cải cách hành chính, an toàn giao thông, phòng, chống dịch bệnh... Chuẩn bị đến mùa mưa bão, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động chỉ đạo phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết...