Chuyện về những liệt sỹ vô danh trong rừng Tam Đảo

09:52, 10/07/2007

Cách đây vài năm, người dân Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã phát hiện nhiều ngôi mộ liệt sỹ vô danh nằm trong rừng Tam Đảo. Đây là những ngôi mộ của bộ đội ta hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, bởi hồi ấy, Mỹ Yên là một địa bàn đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Những ngôi mộ vô danh được bà con phát hiện ra ấy nằm trên một ngọn đồi gồm 9 ngôi mộ, xếp thành 2 hàng thẳng tắp, nhưng đã bị thời gian, mưa nắng bào mòn. Cán bộ địa phương cho biết: Nơi các liệt sỹ nằm xưa kia vốn là nghĩa trang của Quân y xá Trần Quốc Toản (tiền thân của Bệnh viện 354 bây giờ), đóng ở xóm Cao, xã Mỹ Trạng (nay là Mỹ Yên) vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950. Chính tại nghĩa trang này có ngôi mộ của nữ liệt sỹ Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cứu quốc quân, nhưng đã được chuyển đi.

Ở một ngọn đồi khác nhân dân cũng tìm thấy 2 ngôi mộ liệt sỹ nhưng có tên là liệt sỹ Bộ và liệt sỹ Hoàng Tinh, ngoài ra không có thêm thông tin nào về thân nhân hay quê quán các liệt sỹ.

Sau khi nhân dân phát hiện ra các ngôi mộ liệt sỹ vô danh được ít lâu, chính quyền, nhân dân xã Mỹ Yên đã tổ chức đưa di hài của 9 ngôi mộ này về nghĩa trang liệt sỹ của xã. Hiện nay, ở nghĩa trang liệt sỹ của xã Mỹ Yên đã có hơn 80 ngôi mộ liệt sỹ được quy tập, xây cất chu đáo, đều là chiến sỹ của Bệnh viện Quân y 5, Quân y xá Trần Quốc Toản và An dưỡng đường 2 hy sinh khi xưa. Nhưng trong số đó có tới 47 tấm bia liệt sỹ “không rõ họ tên”, số còn lại chỉ có tên chứ không có họ, năm sinh, năm mất, quê quán...

Có lẽ, những người đến viếng nghĩa trang nơi đây, ai cũng mang trong mình niềm xót thương vô hạn khi đứng trước những tấm bia liệt sỹ không có tên; những tấm bia chỉ có tên, không có họ, quê quán... Một đời hy sinh cho đất nước, cho nhân dân nhưng những gì các anh để lại cho riêng mình thật giản dị.

Làm gì để tìm ra tên tuổi các liệt sỹ vô danh này? Câu hỏi không dễ trả lời bởi theo các đồng chí lãnh đạo xã thì địa phương không thể làm gì hơn khi trong tay không có một hồ sơ liệt sỹ nào. Hơn nữa, cũng không ai biết Bệnh viện Quân y 5, đơn vị đã từng đóng quân tại xã từ năm 1950 đến 1954 với nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng thương, bệnh binh giờ ở đâu. Nếu biết được Bệnh viện đang ở đâu, còn có khả năng tìm lại hồ sơ liệt sỹ, hoặc qua trí nhớ của các cán bộ, chiến sỹ đã công tác tại Bệnh viện cũng có thể có được những thông tin cần thiết.

Nhưng thời gian đã trôi qua từ rất lâu, những người biết đến nghĩa trang này đều đã tứ tán khắp nơi sau cuộc kháng chiến chống Pháp, phần nữa điều kiện địa phương không cho phép khi Mỹ Yên là một xã nghèo, nằm sâu dưới chân núi Tam Đảo, giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện nên việc đưa các thông tin về các ngôi mộ liệt sỹ vô danh lên các phương tiện thông tin, đại chúng... chưa có điều kiện thực hiện. Bởi nhiều khó khăn như thế nên sau nhiều thập kỷ mới chỉ có 2 ngôi mộ trong gần 50 ngôi mộ liệt sỹ vô danh nằm đây được thân nhân xác nhận là liệt sỹ Bá ở Thanh Hoá và liệt sỹ Mộc ở Hà Tây.

Để có thể giúp tìm lại hồ sơ, xác định tên tuổi các liệt sỹ, giúp các gia đình liệt sỹ tìm được di cốt người thân, chúng tôi hy vọng, qua bài báo này, đồng đội của các liệt sỹ nay còn sống cũng như những ai biết thông tin về Bệnh viện Quân y 5 hiện ở đâu, đổi tên là gì; hồ sơ nghĩa trang liệt sỹ ngày ấy; quê quán, thân nhân của những liệt sỹ đã hy sinh tại đây hoặc các thông tin có liên quan xin hãy liên hệ với xã Mỹ Yên, Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.