Sáu mươi năm đền ơn đáp nghĩa

16:25, 25/07/2007

Bắt đầu từ sáng qua, 25-7, với Lễ rước bát hương từ các nghĩa trang liệt sĩ từ Đền Bến Dược, Củ Chi, Côn Đảo, qua Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn…, Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Quảng trường Ba Đình, chương trình “60 năm đền ơn đáp nghĩa” đã khai mạc tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Với nhiều hoạt động phong phú vào kéo dài đến ngày 28-7, đây là chương trình đền ơn đáp nghĩa lớn nhất từ trước đến nay, do Hội người cao tuổi Việt Nam, UBMT Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phối hợp tổ chức.

Sáng nay, Lễ đón bát hương thờ các anh hùng liệt sĩ từ khắp nơi trong cả nước, tiếp đó là lễ tưởng niệm đã được tổ chức với nghi lễ trang trọng tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, đại diện các bộ, ngành và đông đảo cựu chiến binh, gia đình thương binh, liệt sĩ và nhân dân.

Ban tổ chức cho biết, bát hương thờ các anh hùng liệt sĩ đã được rước qua nhiều nghĩa trang, nhiều địa danh chiến đấu nổi tiếng trong cả nước. Khởi hành từ Hà Nội từ ngày 14-6, bát hương được rước qua các nghĩa trang Đền Bến Dược, Củ Chi, Tây Ninh, Côn Đảo, qua Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, qua nhiều địa danh lịch sử và chiều qua đã về đến Hà Nội. Lễ đón bát hương tại Đài Tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, Quảng trường Ba Đình chiều qua cũng được tổ chức long trọng. Sáng sớm hôm nay, bát hương được đón về lưu thờ tại Đài tưởng niệm Ánh lửa hồng của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và sẽ được đưa về Khu di tích lịch sử 27-7 tại xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên vào sáng 29-7.

Cùng đó là hàng loạt hoạt động diễn ra tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong suốt hôm nay đến ngày 28-7, gồm có nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật của đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, giao lưu gặp gỡ giữa các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó là các buổi trình diễn tay nghề thủ công mỹ nghệ của các thương binh, bệnh binh, giới thiệu sản phẩm của thương binh “Tàn nhưng không phế” với 60 gian trưng bày tại vườn hoa Cổ Tân. Chương trình truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Lớn TP Hà Nội “Như ngàn ánh lửa” với nhiều tiết mục ý nghĩa sẽ diễn ra vào tối 27-7.

Đặc biệt, chiều mai 26-7, Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ tổ chức lễ cầu siêu tại chùa Bồ Đề, Long Biên.

Đáng chú ý nhất trong chuỗi chương trình hoạt động đền ơn đáp nghĩa này là Triển lãm “60 năm ngày thương binh liệt sĩ”, khai mạc sáng nay tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Với hơn 300 hình ảnh, hiện vật, chủ yếu là hiện vật giấy sưu tập từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3, đây là một triển lãm ý nghĩa đối với nhiều gia đình thương binh liệt sĩ và cựu chiến binh. Có những văn bản quý giá như Sắc lệnh của Chủ tịch nước ngày 16-2-1947 về đặt chế độ hưu bổng, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, là văn bản pháp quy đầu tiên về chế độ đối với thương binh liệt sĩ. Bên cạnh đó là nhiều thư từ, công văn, thông báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chế độ, chính sách, những quan tâm chăm sóc đối với gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh.

Triển lãm cũng giới thiệu bộ sưu tập quý hiếm được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam như sắc cốt, áo trấn thủ của Anh hùng, liệt sĩ Cù Chính Lan; nhiều kỷ vật của các Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thị Riêng, Bế Văn Đàn, các liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch B52 tại Hà Nội năm 1972…

Đặc biệt là khối tư liệu giấy chuyển từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3, trong đó một số hồ sơ của cán bộ đi B, của các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở chiến trường miền nam là những hiện vật chứa nhiều thông tin quan trọng đối với gia đình thương binh liệt sĩ…

Ông Nguyễn Tiến Đỉnh, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 cho biết, hiện nay Trung tâm đang lưu giữ khoảng sáu nghìn bộ hồ sơ của cán bộ đi B, trong đó có nhiều là của liệt sĩ, thương binh, nhiều hồ sơ của cựu chiến binh còn sống. Triển lãm này chỉ một phần nhỏ trong số hồ sơ, hiện vật lưu trữ đó.

Bác Đặng Huy Cứ, vốn là bác sĩ Quân y, hiện ở 12B Lý Nam Đế cho biết, bác đến triển lãm này để tìm lại hồ sơ của chính mình và đồng đội. Bắt gặp ở đây nhiều kỷ vật quý giá, nhắc nhớ lại một thời gian khổ và oanh liệt, bác rất xúc động. Còn chị Mai Thị Mười lặn lội từ Đông Trà, Tiền Hải, Thái Bình lên triển lãm này để tra tìm hồ sơ của anh trai mình là Mai Bạch Lệ, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Chị nói trong khi đang lật giở sổ tra cứu hồ sơ, là mấy chục năm hết chiến tranh rồi, nhưng gia đình vẫn chưa tìm thấy anh trai, nên bất cứ ở đâu có thông tin gì là chị đều tìm đến. Tại triển lãm này, chị cũng đã đến xem từng hiện vật, nhưng chưa tìm ra dấu vết gì của anh.

Ông Nguyễn Tiến Đỉnh cho biết, hôm qua có một CCB đã tìm đến Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, mang theo hài cốt của đồng đội là liệt sĩ Nguyễn Văn Thìn ở Quảng Ninh. Ông đến để tìm lại hồ sơ của liệt sĩ này để viết điếu văn truy điệu.

Hy vọng qua những hoạt động của chương trình “60 năm đền ơn đáp nghĩa” này, không chỉ để thế hệ sau ghi nhớ công lao to lớn của thế hệ cha anh, mà còn là dịp đền đáp phần nào những hy sinh mất mát của các thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh.