Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sỹ

17:33, 13/07/2007

Năm 1946, trong thư của Bác Hồ gửi đồng bào Nam bộ có đoạn viết “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Tiếp theo đó, Thư gửi đồng bào miền Nam, Bác lại viết “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sỹ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã thu hút lớp lớp nam nữ thanh niên cả nước tham gia quân đội. Trong cuộc chiến đấu ấy, một số chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, một số nữa trở thành thương binh, bệnh binh. Trở về với cuộc sống đời thường, họ đã gặp không ít khó khăn nhưng họ đã có nghị lực vươn lên.

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng của mình đối với các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh, liệt sỹ để đồng bào cả nước có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã được tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh, liệt sỹ và tổ chức lần đầu trong năm 1947.

Trong Báo Vệ quốc quân số ra ngày 27-7-1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh liệt sỹ toàn quốc” có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sỹ mà nay một số đã thành ra thương binh”.

Người giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những con người anh dũng ấy”. Và Bác đã vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch được 1.127 đồng để tặng thương binh.

Xót xa và cảm động trước sự hy sinh của các chiến sỹ, Bác đã viết: Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá, con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sỹ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sỹ sẽ không thể tái sinh”. (Trích cuốn “Một số lời dạy và mẩu chuyện về Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia”).

Để tỏ lòng biết ơn và cảm phục tấm lòng của Bác đối với các thương binh, những người dân Thái Nguyên đã xây dựng bia ghi nhớ nơi ra đời ngày Thương binh liệt sỹ tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ và hàng ngày được người dân nơi đây trông coi, bảo vệ.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đóng góp cho kháng chiến những người con dũng cảm và hiện nay trên địa bàn tỉnh còn trên 21.000 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với nước, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Anh hùng lực lượng vũ trang đang được hưởng trợ cấp hàng tháng và các Mẹ Việt Nam Anh hùng đang được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận phụng dưỡng suốt đời. Họ là những người đã hy sinh một phần xương máu của bản thân, chịu nhiều thiệt thòi khi mất đi những người thân yêu nhất để góp phần giành lại tự do cho Tổ quốc, để chúng ta- những thế hệ sinh ra trong thời bình có được cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.

Để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, đồng thời góp phần giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa; mở hàng trăm lớp dạy nghề cho con em gia đình chính sách, thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công...