Bộ Thủy sản nhập với Bộ NN&PTNT; Bộ CN nhập với Bộ TM; hợp nhất UBTDTT với Bộ VHTT, giao Bộ này quản lý TCDL và đổi tên thành Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... Thủ tướng cũng đề nghị QH phê chuẩn số lượng Phó Thủ tướng là 5.
Thủ tướng nêu rõ: Hiện nay, nền kinh tế đã chuyển mạnh sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhưng cơ cấu tổ chức Chính phủ vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối... Tuy đã có phân cấp khá mạnh nhưng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn giữ nhiều việc không cần thiết.
Theo phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ, sau khi sắp xếp, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII gồm 22 bộ và các cơ quan ngang bộ, giảm 4 bộ và cơ quan ngang bộ.
Trong đó, Bộ Thủy sản nhập với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Công nghiệp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công thương; hợp nhất Ủy ban Thể dục thể thao với Bộ Văn hóa Thông tin, giao Bộ này quản lý Tổng cục du lịch và đổi tên thành Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Điều chỉnh chức năng và đổi tên Bộ Bưu chính viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông. Giao thêm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất các vấn đề về biển đảo và đổi tên thành Bộ Tài nguyên môi trường và biển. Giải thể Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban này sang các bộ liên quan.
Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong tình hình thực tế hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn số Phó Thủ tướng là 5.
Dự kiến phân công 1 Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ thường trực, thay Thủ tướng giải quyết công việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ khi Thủ tướng vắng mặt và giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối kinh tế tổng hợp.
1 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối kinh tế ngành; 1 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối văn hóa, xã hội; 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ ngoại giao; 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng.
Như vậy Tổng số thành viên Chính phủ của nhiệm kỳ khóa XII sẽ là 28, giảm so với nhiệm kỳ chính phủ khóa XI là 2 thành viên.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII nhằm tiếp tục điều chỉnh cơ cấu, tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và kỷ luật, kỷ cương, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tiếp tục xây dựng cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, điều chỉnh và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ đảm bảo tinh gọn, hợp lý, đúng với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; bao quát hết các nhiệm vụ chính trị , kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với những ngành, lĩnh vực có mối liên hệ liên thông và phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. Chuyển thích hợp các Cơ quan thuộc Chính phủ vào các Bộ quản lý, trước hết là các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước.
Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo hướng quản lý tổng hợp, đa ngành, liên thông, bỏ tầng nấc trung gian, giảm đầu mối, khắc phục trùng dẫm, không rõ chức năng, nhiệm vụ.
Rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, bảo đảm bao quát hết các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ; thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính; khắc phục sự chồng chéo, trùng dẫm và tình trạng chia cắt, một việc do nhiều cơ quan, nhiều người phụ trách, phải chờ đợi phối hợp, thỏa thuận, làm chậm trễ công việc và không rõ trách nhiệm; tiếp tục phân cấp mạnh và phù hợp cho chính quyền địa phương.
Tại buổi họp sáng 30/7, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đã đọc Báo cáo thẩm tra về số Phó Thủ tướng; việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ, nêu rõ:
Dự kiến cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội X, các văn kiện khác của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, mở cửa hội nhập và trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động của Chính phủ các nhiệm kỳ trước đây, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ mới.
Tuy chưa mang tính đột phá nhưng đây thực sự là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và hoàn thiện hệ thống bộ máy nhà nước pháp quyền.
Ủy ban Pháp luật tán thành những đánh giá về ưu điểm, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ khóa XI và tán thành những mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với cơ cấu tổ chức Chính phủ trong nhiệm kỳ khóa XII.
Ông Thuận cũng đề nghị xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là đối với những vấn đề trên thực tế còn đang có sự chồng chéo, đan xen nhau trong quản lý nhà nước giữa các cơ quan này để Quốc hội thảo luận và quyết định.
Buổi chiều, các đoàn đại biểu Quốc hội họp trao đổi về dự kiến số Phó Thủ tướng; việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp nghe báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự kiến số Phó Thủ tướng; việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ.