Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ”

16:29, 25/07/2007

Thái Nguyên vinh dự là nơi công bố bức thư của Bác Hồ lấy ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh liệt sĩ, để vận động nhân dân cả nước với lòng hiếu nghĩa, bác ái “Đền ơn đáp nghĩa” ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thái Nguyên còn là địa phương giàu truyền thống cách mạng: Số người thuộc diện chính sách người có công với cách mạng chiếm gần 10% dân số... Trong những năm qua được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Thái Nguyên đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công, trong đó có phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Từ những ngày đầu của cuộc vận động, nhiều phụ nữ đã tình nguyện lấy thương binh nặng, có những gia đình đã hiến đất để làm an dưỡng đường chăm sóc thương binh. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã và đang phát triển với các chương trình lớn như: Xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; làm nhà tình nghĩa, tặng vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, cùng nhiều hoạt động nghĩa tình thiết thực khác ở khắp các thôn, bản, làng, tổ dân phố.

Trong 5 năm qua (2002-2007), toàn tỉnh đã huy động đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 7,66 tỷ đồng, toàn bộ số kinh phí này được sử dụng vào việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chính sách người có công, gần 600 ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng và sửa chữa.

Các chương trình hoạt động khác cũng phát triển mạnh: Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tặng hơn 600 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng; trồng mới và cải tạo gần 2000 vườn cây tình nghĩa trị giá hơn 350 triệu đồng. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được các tổ chức và cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức chu cấp từ 200-500 nghìn đồng/tháng; hàng nghìn thân nhân liệt sỹ neo đơn có hoàn cảnh khó khăn đã được các hội, đoàn thể ở địa phương phân công hội viên đến giúp đỡ công việc hàng ngày, chăm sóc khi ốm đau; hàng trăm con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ được nhận chăm sóc, đỡ đầu; hàng nghìn gia đình chính sách người có công thuộc diện nghèo được ưu tiên, giúp đỡ về vốn, giống, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất… Nhờ đó, nhiều gia đình chính sách người có công đã phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước xoá đói giảm nghèo.

Phong trào “xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công” sau 7 năm phát động (1998-2004) đã có 180/180 xã, phường được UBND tỉnh cấp bằng công nhận “xã, phường làm tốt công tác thương, binh liệt sỹ và người có công”.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tranh thủ nguồn vốn đầu tư của TW, ychỉ đạo các địa phương huy động kinh phí và hàng nghìn ngày công lao động để xây mới Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh, Đền thờ các anh hùng liệt sỹ huyện Phú Lương, Phú Bình; nâng cấp các hạng mục công trình Khu di tích lịch sử 27/7, Đài tưởng niệm liệt sỹ huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên… Phần mộ của các liệt sỹ tại các nghĩa trang thuộc tỉnh Thái Nguyên cũng được tôn tạo, tu sửa. Thái Nguyên đang phấn đấu đưa các công trình ghi công liệt sỹ thực sự trở thành các địa danh lịch sử, văn hoá ở địa phương, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, cũng như bày tỏ tri ân đối với các bậc cha anh đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước.

Đáp lại sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã không ngừng phấn đấu vươn lên tiếp nối truyền thống anh hùng trong học tập, lao động, sản xuất. Thực tiễn đã cho thấy cùng với chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã bằng chính sức mình làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

Để tiếp tục làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung làm tốt các nội dung sau:

- Quán triệt sâu sắc quan điểm tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng là tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm của toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ”, tập trung thực hiện các mục tiêu cơ bản là: Hết năm 2007, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo; 90% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư trên địa bàn; cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ gia đình chính sách, người có công; duy trì 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác TBLS.

Phát huy nguồn lực tại chỗ, tranh thủ các nguồn lực ở địa phương, phối hợp lồng ghép các chương trình để hỗ trợ các gia đình chính sách người có công không đủ điều kiện tự xây dựng và sửa chữa nhà ở; tạo điều kiện để đối tượng chính sách tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội ở địa phương nhằm từng bước ổn định đời sống, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân rộng điển hình, mô hình tiên tiến, chú trọng phát huy dân chủ, công khai về lĩnh vực người có công, đồng thời xử lý kiên quyết, kịp thời những sai phạm xảy ra.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ, thay mặt UBND tỉnh, tôi xin gửi tới các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc. Mong các bác, các anh chị luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.