Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo

09:11, 01/07/2007

Người làm báo Việt Nam hôm nay được thừa hưởng sự sáng lập, rèn luyện, bồi dưỡng của Đảng, Bác Hồ. Báo chí cũng đã trưởng thành từ cách mạng và góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản sắc căn bản, có tính quyết định của báo chí Việt Nam là của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ nguyên tắc to lớn là phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

82 năm qua kể từ ngày có nền báo chí cách mạng, chưa bao giờ báo chí phát triển hùng hậu, là một lực lượng chính trị-xã hội quan trọng và cần thiết như hiện nay. Báo chí đã làm được chức năng phổ biến trí tuệ, nâng cao dân trí, là một kênh thông tin quan trọng trong điều hành của hệ thống chính trị nước ta.

Tuy vậy, bên cạnh vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của báo chí hiện nay, báo chí cũng bộc lộ những yếu kém đáng lo ngại. Đó là không ít tờ báo, nhà báo chạy theo hướng thương mại hoá, xa rời tôn chỉ mục đích, không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động xã hội mà có lúc, có nơi còn làm cho tình hình thêm phức tạp, gây tổn hại cho công cuộc phát triển.

Để báo chí luôn là một lực lượng tiên phong trong đóng góp cho sự phát triển và ổn định, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện mọi mặt cho báo chí và cũng luôn đòi hỏi báo chí đồng thời thực hiện tốt cả về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Trách nhiệm xã hội đang được qui định bởi pháp luật qui định cho tự do báo chí trên cơ sở luật pháp của một Nhà nước thống nhất và dân chủ. Báo chí phải góp phần tích cực, có trách nhiệm cao cho sự vững mạnh của Đảng, phát triển của đất nước. Bản thân từng người làm báo xác định là công dân của đất nước xã hội chủ nghĩa, đem nghề nghiệp phục vụ cho lý tưởng cao cả của đất nước theo nghĩa vụ của người công dân. Do vậy, từng tác phẩm báo chí phải được thể hiện từ những nguyên tắc cơ bản là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của Đảng, của dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của cách mạng, người thày của báo chí từng dạy: “Nhà báo cách mạng phải biết mình viết cái gì và viết cho ai”. Điều này luôn là cẩm nang cho từng người làm báo, từng cơ quan báo chí.