Viết lên bản hùng ca Việt Nam bất diệt

16:00, 03/07/2007

Hiếm có một đất nước nào lại có một ngày mà tất cả người dân từ mọi miền Bắc – Trung - Nam lại cùng một nỗi đau, cùng một niềm tự hào dân tộc, hơn nữa, ngày linh thiêng ấy đã 60 năm đi cùng con đường cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam - Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7).

Trong tâm tưởng ấy, cũng như hàng triệu, triệu người dân đất Việt, chúng tôi - những người làm báo của Báo Đảng tỉnh Thái Nguyên đã có dịp tới những địa danh mà lớp lớp cha anh đã một đi không trở lại, họ chiến đấu và hy sinh như một bản anh hùng ca oai hùng, bi tráng với mục tiêu, lý tưởng cho một đất nước thống nhất, độc lập và phồn vinh.

Ngã ba Đồng Lộc - nơi những cô gái đã thành thần thánh

Trưa hè Đồng Lộc oi nồng, nhưng cùng hàng trăm du khánh thập phương, nhiều cựu chiến binh mang quân phục và cả chúng tôi như được tiếp thêm một sức mạnh vô hình khi đứng trước Đài tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ tuyến đường huyết mạch, tuyến đường bộ duy nhất của miền Bắc chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.

Nơi đây dù anh hướng dẫn viên có sức truyền đạt rất giỏi, làm rung động lòng người đến đâu cũng không thể tả hết, đầy đủ những hy sinh, mất mát, những tấm gương anh dũng, quả cảm của bộ đội, chiến sỹ đã chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn để tuyến đường luôn thông suốt.

Hình ảnh một ngã ba Đồng Lộc không một ngọn cỏ, một mét đất còn lành lặn dưới bom đạn Mỹ hiện về trong tâm trí mọi người và thật lạ lùng trong mảnh đất gần như không sự sống ấy, những chiến sỹ công binh dành nhau sự nguy hiểm, dành nhau đến với cái chết để phá bom thông đường cho những chuyến xe qua; những nữ thanh niên xung phong ở nhà còn làm nũng mẹ đã hoá anh hùng đứng dưới làn bom đạn đếm hàng loạt bom rơi để rà phá, tháo nghòi nổ...

Chuyện 10 cô gái hy sinh cùng một căn hầm do bom Mỹ ở ngã ba Đồng Lộc như một nét son thấm đẫm nước mắt, và máu của những lớp chiến sỹ thanh niên xung phong, bộ đội một thời “ Tiếng hát, át tiếng bom...” và đến hôm nay đây họ đã thành bất tử, đã thành thần thánh trong tâm trí người dân Việt Nam.

Mảnh đất khốc liệt xưa nay đã là một ngã ba Đồng Lộc xanh và đẹp như một công viên. Bên khu tưởng niệm các liệt sỹ, nhất là 10 ngôi mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong luôn đầy hoa tươi và hương trầm toả ngát. Chúng tôi đến đây nghiêng mình tưởng nhớ và ngưỡng vọng một thế hệ đi trước mà nỗi đau không thể nói thành lời. Thầm mong linh hồn các anh, các chị linh thiêng tiếp sức cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam nghìn năm hưng thịnh.

Trường Sơn đất đỏ thấm máu đào

Thành cổ Quảng Trị.
Chúng tôi đã không chỉ một lần đến với Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và lần này trở lại. Vẫn những người quản trang điềm đạm, ân cần, tận tình trong thầm lặng đón, hướng dẫn du khách đến viếng các liệt sỹ.

Những người quản trang ở đây từ cán bộ đến nhân viên đã gắn bó máu thịt với Nghĩa trang, coi từng ngôi mộ của các liệt sỹ như những người thân của mình, họ làm việc không vì mục đích tiền bạc, không vì quyền lợi, quyền lực mà vì tình đồng loại, nghĩa đồng bào và trên hết là nghĩa tình đồng đội.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 1 vạn liệt sỹ của hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Hôm nay đây, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn đã được Nhà nước xây dựng khang trang, bề thế. Tượng đài tưởng niệm các liệt sỹ sừng sững, oai nghiêm giữa ngút ngàn cây lá, gió reo vi vu bất tận như lời ru của mẹ với các anh đang yên nghỉ nghìn thu.

Chúng tôi lặng đi khi hoà mình vào nghĩa trang với những nấm mồ nối nhau dài dặm như những hàng quân ra trận, những tưởng đâu đây còn hình bóng người thân, người xã mình, người làng mình trong hàng quân oai hùng đó. Máu của hơn 1 vạn chiến sỹ nằm đây và còn rất, rất nhiều chiến sỹ nữa đã ngã xuống đất Trường Sơn-chiếc xương sống của Việt Nam còn chưa được tìm thấy, chưa được quy tập, để cho đất đỏ Trường Sơn vốn đã màu mỡ, lại như thêm sức sống cho cây trái sinh sôi, người người ấm no, hạnh phúc.

Sức trẻ cả một thế hệ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã nằm lại và tưới tắm, chăm sóc cho dải đất này trù phú với những rừng cao su, cà phê, hồ tiêu bạt ngàn, tươi tốt, ẩn mình trong đó là những phum sóc bình yên, no ấm, những già làng say sưa bên ché rượu nồng và những cô gái Bana, Êđê, Vân Kiều nồng nàn, say đắm trong điệu nhảy cồng chiêng âm vang, sôi động một góc rừng. Trong âm hưởng của đất trời Trường Sơn hôm nay và mãi mãi mai sau, các liệt sỹ không mất đi mà hoà cùng đất mẹ, khí thiêng sông núi và sống mãi cùng đồng bào, đồng chí tại dặm dài đất đỏ Trường Sơn.

Thành Cổ - còn đó lời nhắn gửi

Thành cổ Quảng Trị trước đây là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị từ thời Nhà Nguyễn và cũng là Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị thời Nguỵ quyền Sài Gòn. Nơi đây đã được ví như chiếc cối xay thịt trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến sỹ ta chiếm giữ và chống lại những cuộc tấn công điên cuồng của quân địch. Những tài liệu tại khu trưng bày của Thành cổ cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến một mất, một còn giữa ta và địch.

Bom đạn quân thù trút xuống suốt ngày đêm đã cày xới, băm nát từng ngọn cỏ, từng viên sỏi trong thành cổ. Máu thịt của các chiến sỹ quân giải phóng hoà trộn cùng đất, ngấm sâu vào đất. Trong 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường đó, mỗi ngày một đại đội vào, ngày hôm sau chỉ còn một vài người, có hôm chẳng còn một ai, các anh đã ngã xuống vì Thành cổ, vì độc lập, thống nhất đất nước.

Sau 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân giải phóng được lệnh rút ra khỏi Thành cổ, qua sông các chiến sỹ do bị thương và sức đã kiệt, lại bị quân địch không kích, nhiều chiến sỹ lại mãi mãi nằm trong vòng tay ôm của dòng sông Thạch Hãn:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm...”

Trong khu trưng bày vẫn còn lưu lại những lá thư cuả các chiến sỹ gửi lại mẹ thân yêu, vợ, người thân mà sau đó những chiến sỹ ấy mãi mãi ở tuổi hai mươi lẫm liệt trẻ trung trong lòng dân tộc, bởi họ đã cống hiến không một nghĩ suy, do dự cả tuổi thanh xuân, cả cuộc sống của mình cho đất nước. Những hy sinh ấy như một lời nhắn gửi cho các thế hệ hôm nay và mai sau hãy sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước, xây dựng non sông đất Việt hùng cường, thịnh vượng.

Đất nước Việt Nam yêu hoà bình đến giản dị như lời bài ca Đất nước: Đất nước tôi thong thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ... nhưng cũng vì lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước những người Mẹ Việt Nam tiễn những người con yêu dấu hơn cả máu thịt của mình lên đường ra trận, một đi không trở lại “...Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về, mình mẹ lặng im...” Vâng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã là quá đủ để chúng ta và bè bạn trên thế giới thấy được một Việt Nam bất diệt, một Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh, bởi đó chính là bản hùng ca của dân tộc được viết lên bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ người dân đất Việt.